26 Tháng Năm, 2021 | 14:58
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

CHIẾN LƯỢC “MADE IN CHINA 2025” TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Lê Quỳnh Hoa, Ths Nguyễn Thị Phương -Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và Dương Khiết – Học viện Kỹ thuật nghề Giao thông Quảng Tây, Trung Quốc cùng nhóm cộng sự thì hiện tại Trung Quốc đang vận hành Chiến lược Made in China 2025 có thể hiểu như một phiên bản Trung Quốc của công nghiệp 4.0 và qua đó nhóm tác giả và cộng sự có rút ra những gợi ý phát triển cho Việt Nam. Trang thông tin điện tử Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế tổng hợp kết quả bài báo khoa học của nhóm tác giả, toàn văn như sau:

Bước sang thế kỷ mới, các nước phát triển cũng như đang phát triển mới nổi lần lượt xây dựng và thực hiện các chiến lược và kế hoạch quốc gia để thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất chế tạo cao cấp, nhằm đáp ứng những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước. Cách mạng 4.0 tồn tại và hiện hữu trên toàn thế giới, không chỉ là các nước phát triển hay các nước đang phát triển mà cả các nước lạc hậu cũng tham gia chạy đua giành lợi thế trong bối cảnh 4.0 bùng phát mạnh mẽ. Trong đó Trung Quốc là một trong những nước đã tạo cho thế giới nhiều bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Có thể khẳng định, trong quá trình thúc đẩy và phát triển Công nghiệp 4.0, Trung Quốc có vai trò vô cùng to lớn. Lấy cảm hứng trực tiếp từ Công nghiệp 4.0 của Đức, chỉ sau 2 năm vào tháng 5/2015 Trung Quốc đã lập nên một kế hoạch chiến riêng và chỉ dành riêng cho Trung Quốc mang tên Made in China 2025. Nói một cách khác, Made in China 2025 có thể được hiểu như là một phiên bản Trung Quốc của Công nghiệp 4.0.

Theo các chuyên gia, trong lịch sử chúng ta chưa từng công nhận bất kì một cuộc công nghiệp nào có tốc độ đột phá mạnh mẽ như cuộc công nghiệp 4.0, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính như các cuộc công nghiệp trước đó.

Ba trụ cột chính của việc phát triển công nghiệp 4.0 đó là Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học và Vật Lý với mục đích xóa nhòa các ranh giới và kết nối vạn vật lại với nhau. Ba trụ cột này ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 trọng tâm hướng đến sự đột phá công nghệ trong cả ba trụ cột chính, bao gồm: Các yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số (Trí tuệ nhân tạo(AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).), Công nghệ

sinh học(Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu), Vật lý (Chế tạo robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano….)

Thực trạng nền kinh tế trên thế giới : Ngay sau khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 kết thúc không lâu, cuộc cách mạng lần thứ 4 liền xuất hiện với xu thế và tốc độ đáng kinh ngạc, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thế giới dù cho chúng ta chỉ đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng.

+ Hiện nay, thay vì coi sức lao động là nhân tố thiết yếu để tạo ra những giá trị trong sản xuất thì trên toàn thế giới, tất cả mọi quốc gia, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều thay đổi sử dụng máy móc để tạo ra các giá trị. Hàng trăm, hàng ngàn các loại máy được phát minh và sáng tạo với cơ chế tự động đã khiến chúng ta không còn cần nhiều lao động tay chân nữa mà chủ yếu là lao động có kỹ thuật chuyên môn cao, mọi thứ được tạo ra đều tự động, đều đặn và nhịp nhàng. Ví dụ trong ngành nông nghiệp, nước ta

vốn là một nước nông nghiệp, ngành nông nghiệp chiếm vai trò vô cùng quan trọng với khoảng 70% dân số lao động thuộc lĩnh vực này. Trước khi có sự xuất hiện của máy móc, mọi công đoạn đều được thực hiện một cách rất thủ công và thô sơ, tốn rất nhiều sức lao động nhưng năng suất lại không hề khả quan. Nhưng hiện nay, với sự góp sức của ngành công nghiệp 4.0, chúng ta áp dụng điện toán đám mây vào quá trình vận chuyển để quản lý, kiểm soát và bảo quản hàng hoá tốt hơn, sẽ không còn tình trạng 40% hàng hoá bị hỏng trong quá trình vận chuyển như trước, hay việc ngành công nghệ thông tin được đổi mới và phát triển giúp người dân dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin thời tiết, thông tin về các giống cây trồng, ….

+ Chính từ sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta có một môi trường kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Không chỉ đơn giản là công nghiệp và sản xuất mà còn là dịch vụ, khoa học, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng,…

Tất cả các thành tựu và kết quả của Công nghiệp 4.0 đều ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Ví dụ: Công nghệ In 3D cho phép chúng ta tạo ra các mô hình 3D vật lý. Nó được sử dụng trong việc quảng cáo sản phẩm, giúp phát triển sản phẩm với chi phí thấp hơn mà còn linh hoạt hơn. Hay là công nghệ Tự động quy trình robotic (RFA) giúp tự động hóa mọi quá trình của các hoạt động kinh doanh bởi các robot phần mềm được đào tạo bởi AI, có thể thực hiện các nhiệm vụ một cách tự động. Những robot này có thể thay thế con người cho các nhiệm vụ phổ biến như xử lý giao dịch, quản lý CNTT và công việc trợ lý.,….

+ Hay là về lĩnh vực tài chính, ngân hàng: do chịu tác động vô cùng mạnh mẽ bởi công nghệ thông tin nên lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ truyền thống, và ngày càng quan tâm hơn đến trải nghiệm của khách hàng. Sự xuất hiện của Internet, Mobile Banking, Tablet Banking,… đã trở thành xu thế phát triển mạnh của giao dịch không giấy tờ. Thêm một vấn đề cần nhắc đến nữa là sự quan trọng của Big data, đã góp phần trong việc phân tích hành vi khách hàng cải thiện các dịch vụ, mang lại nhiều giá trị nhưng chi phí lại rẻ hơn rất nhiều. Nếu như ngày trước hoạt động giao dịch chủ yếu của khách hàng và ngân hàng là giao dịch trực tiếp thì với sự tác động của Công nghiệp 4.0 đã biến mọi thứ trở nên thuận tiện hơn, không còn nhiều giấy tờ và không cần tốt thời gian công sức để đến trực tiếp các quầy giao dịch nữa.

Công nghiệp 4.0 cũng là yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh, có cạnh tranh thì mới có tiến bộ, đòi hỏi các các doanh nghiệp phải nhạy bén với sự thay đổi và nắm bắt thời cơ hợp lý.

– Cách mạng 4.0 tồn tại và hiện hữu trên toàn thế giới, không chỉ là các nước phát triển hay các nước đang phát triển mà cả các nước lạc hậu cũng tham gia chạy đua giành lợi thế trong bối cảnh 4.0 bùng phát mạnh mẽ. Tuy công nghiệp 4.0 ra đời đầu tiên tại Đức, nhưng nó cũng thúc đẩy các nước khác như Mỹ, Anh, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ,…

Trong đó Trung Quốc là một trong những nước đã tạo cho thế giới nhiều bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Có thể khẳng định, trong quá trình thúc đẩy và phát triển Công nghiệp 4.0, Trung Quốc có vai trò vô cùng to lớn. Lấy cảm hứng trực tiếp từ Công nghiệp 4.0 của Đức, chỉ sau 2 năm vào tháng 5/2015 Trung Quốc đã lập nên một kế hoạch chiến lược riêng và chỉ dành riêng cho Trung Quốc, kế hoạch chiến lược mang tên Made in China 2025. Nói một cách khác, Made in China 2025 có thể được hiểu như là một phiên bản Trung Quốc của Công nghiệp 4.0.

  1. Made in China 2025

2.1. Tổng quan về kế hoạch “Made In China 2025”

Kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra chiến lược “Ba bước đi”, trong 30 năm hoàn thành mục tiêu đưa Trung Quốc từ một nước lạc hậu, yếu kém, trì trệ do ảnh hưởng của Cách mạng văn hóa (1966-1976) trở thành một cường quốc trong khu vực và trên toàn cầu. Theo đó, để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra hai “mục tiêu 100 năm” cho công cuộc phát triển xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong bối cảnh lịch sử mới: mục tiêu 100 năm lần thứ nhất là xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021 để kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, mục tiêu 100 năm lần thứ hai là hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại vững mạnh vào năm 2049 để kỉ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Báo Thể thao văn hóa, 2017). Sau khi mục tiêu thứ nhất đã được hoàn thành trước thời hạn, chất lượng cuộc sống xã hội của nhân dân đã được nâng cao vượt bậc so với thời kì đầu cải cách trước đây, hiện tại, Trung Quốc đang trong giai đoạn then chốt để đặt những viên đá đầu tiên cho nền móng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Khi bàn luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Miêu Vu đã nhận xét, sau khi trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, ngành sản xuất chế tạo trên thế giới được chia thành 4 phân cấp: cấp thứ nhất là Hoa Kỳ- quốc gia dẫn đầu về sáng tạo và đổi mới khoa học công nghệ, cấp thứ hai bao gồm EU và Nhật Bản là những nước có năng lực sản xuất cao, cấp thứ ba bao gồm một số nước công nghiệp mới nổi với năng lực sản xuất thấp, cấp thứ tư bao gồm những nước chủ yếu chỉ tập trung xuất khẩu tài nguyên. Theo ông Miêu Vu, Trung Quốc thuộc cấp thứ 3 với năng lực sản xuất còn yếu kém so với các cường quốc chế tạo, còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài, đứng ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị và vẫn phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Những thách thức đó buộc Trung Quốc phải tiến hành đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp chế tạo để có thể đảm bảo thực hiện đúng hạn mục tiêu 100 năm lần thứ hai vào năm 2049, và xa hơn nữa là trở thành một cường quốc hiện đại có vị thế vững vàng trên trường quốc tế.

Kế hoạch “Made In China 2025” (MIC, 2025) được công bố năm 2015 bởi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, với việc đặt khoa học công nghệ làm hạt nhân, chính là một trong những bước đi quan trọng của Trung Quốc để phát triển theo hướng đổi mới và tiến tới hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2049. Được lấy cảm hứng trực tiếp từ cuộc cách mạng “Công nghiệp 4.0” của Đức năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả kế hoạch này như là “một sáng kiến để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc”, thông qua việc khai thác khoa học kĩ thuật và áp dụng công nghệ để biến Trung Quốc trở thành một “siêu cường chế tạo”, dịch chuyển nền sản xuất của Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, với các mục tiêu cụ thể như: tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng yếu lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, thay đổi diện mạo công nghệ của Trung Quốc, hạn chế phụ thuộc và nhập khẩu công nghệ nước ngoài .

Quá trình đưa Trung Quốc trở thành một “siêu cường chế tạo” được chia thành 3 giai đoạn dựa trên năng lực hiện tại của ngành chế tạo Trung Quốc cũng như những tiềm năng phát triển trong tương lai:

– Giai đoạn 1 từ năm 2015 đến năm 2025: cơ bản thực hiện được hiện đại hóa,

vươn đến trình độ của các cường quốc chế tạo trên thế giới như Đức và Nhật Bản

– Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2035: trở thành một “siêu cường chế tạo”, đứng ở mức trung bình trong hàng ngũ các cường quốc chế tạo, liên tục gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành chế tạo

– Giai đoạn 3 từ năm 2036 đến năm 2049: trở thành cường quốc chế tạo đứng đầu thế giới, xây dựng được hệ thống công nghệ hàng đầu và làm chủ các ngành chế tạo trọng điểm, hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ hai

Như vậy, “Made In China 2025” chính là một bản kế hoạch kéo dài 10 năm thuộc giai đoạn 1 và tập trung hướng đến 10 ngành chế tạo trọng tâm sau: (1) Công nghệ thông tin thế hệ mới; (2) Máy công cụ điều khiển số cấp cao và robot; (3) Thiết bị Hàng không vũ trụ; (4) Thiết bị công trình biển và tàu biển công nghệ cao; (5) Thiết bị vận chuyển đường sắt tiên tiến; (6) Ô tô tiết kiệm năng lượng và dùng nguồn năng lượng mới; (7) Thiết bị điện lực/; (8) Thiết bị nông nghiệp; (9) Vật liệu mới; (10) Dược phẩm sinh học và thiết bị y tế tiên tiến

2.2 Tiến trình thực hiện kế hoạch Made In China 2025 của Trung Quốc

– Từ năm 2015 đến năm 2017

Tháng 10/ 2017, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra định hướng cho các kế hoạch và chính sách trong khuôn khổ MIC 2025, bao gồm hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống tự nâng cấp bản thân, đẩy nhanh sự phát triển của các ngành dịch vụ hiện đại để nâng chúng lên các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy một số nhóm chế tạo tiên tiến, thúc đẩy hội nhập Internet, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào nền kinh tế thực, đầu tư xây dựng “nền kinh tế xanh” và giảm thiểu khí thải công nghiệp, phát triển các chuỗi cung ứng hiện đại và dịch vụ vốn nhân lực (Trần, 2019). Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống tự nâng cấp bản thân bằng cách củng cố các ưu thế hiện có, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để phát triển theo hướng chuyển đổi mới. Trong năm 2017, toàn bộ hỗ trợ của chính phủ dành cho doanh nghiệp nhà nước lên tới khoảng 118 tỷ USD, chiếm khoảng 4% trong tổng chi tiêu của chính phủ và tương đương 1% GDP (Báo Thế giới và Việt Nam, 2019). Đồng thời, Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm tới một số ngành công nghiệp chiến lược mới nổi thuộc 10 ngành trọng điểm của MIC 2025 như công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị năng lượng, công nghệ sinh học và thiết bị y tế tiên tiến. Trung Quốc cố gắng ưu tiên cho những đột phá trong chế tạo thiết bị thông minh 2020), phát triển mạnh mẽ 3 công nghệ cốt lõi là thiết bị chế tạo phụ gia, robot công nghiệp và máy tính điều khiển số.

gian hàng Trung quốc 1

Gian hàng Trung quốc 2

Các gian hàng công nghệ của các hãng công nghệ Trung Quốc trưng bày tại một hội chợ công nghệ quốc tế tại Hà Nội đầu năm 2021 (ảnh VISTIP)

Theo đó, trong năm 2017, thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đứng ở 3 vị trí đầu tiên về đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, với số tiền lần lượt là 470,5 tỷ USD, 370,6 tỷ USD và 170,5 tỷ USD (Báo Thế giới và Việt Nam, 2019). Trong quá trình thực hiện MIC 2025, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dần bước vào giai đoạn nâng cấp, số hóa, và kéo theo đó là những thay đổi rất lớn trong thị trường lao động. Báo cáo chỉ ra rằng trong số các doanh nghiệp được khảo sát, tỷ lệ máy móc và robot được sử dụng trong dây chuyền sản xuất tăng từ 12% năm 2008 lên 37% năm 2017, cho thấy khoảng 40% lực lượng lao động sản xuất của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Trong tổng số các doanh nghiệp, các công ty sử dụng robot chiếm tỉ trọng 8,1% trong năm 2015 và tỷ lệ này tăng lên 13,4% trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng trung bìnhhàng năm của đầu tư cho robot công nghiệp trong ba năm từ 2015 đến 2017 cao tới 57%

– Từ năm 2018 đến năm 2020

Năm 2018 đánh dấu những sự thay đổi trong mối quan hệ Mỹ – Trung liên quan trực tiếp đến MIC 2025. Trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn luôn đánh giá các biện pháp theo đuổi sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc như chuyển giao công nghệ bắt buộc là những biện pháp mang tính “trục lợi”. Sự ra đời của MIC 2025 càng khiến sự quan ngại của Hoa Kỳ thêm sâu sắc và từ đó nảy sinh ra các biện pháp “trừng phạt” đầy cứng rắn của chính quyền Donald Trump lên hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc,

bao gồm các mặt hàng công nghệ. MIC 2025 là biểu hiện cho mong muốn nổi lên với tư cách là một đầu tàu công nghệ đối địch với Mỹ của Trung Quốc. Vai trò của bản kế hoạch này đang trở nên ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Những sức ép và sự trừng phạt từ Mỹ lên những sản phẩm công nghiệp và công nghệ chủ chốt của Trung Quốc là động lực thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường quản trị và rót vốn đầu tư nâng cấp các công nghệ cốt lõi, đẩy mạnh khả năng “tự cung tự cấp” cho các ngành công nghiệp chiến lược của đất nước. Điều này đã cho thấy tham vọng của Bắc Kinh không chỉ đơn thuần là bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến khác như Đức hay Nhật Bản mà còn vượt qua và thay thế họ để đạt được vị trí thống trị về công nghệ trên toàn thế giới (Trần, Q., 2019). Tuy nhiên, trước những thái độ của không chỉ Mỹ mà cả các nước phương Tây về MIC 2025 nói riêng và giấc mộng “chấn hưng Trung Hoa” nói chung, trong thời gian này, giới truyền thông Trung Quốc đã không còn quảng bá hình ảnh của MIC 2025 rầm rộ và rộng rãi như trước kia. Sự tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ của Bắc Kinh đã tạo ra một động lực mạnh mẽ mới cho phát triển kinh tế. Vào năm 2018, các ngành công nghiệp trọng điểm của MIC 2025 ước tính đã đóng góp khoảng 20% tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc trong thập kỷ qua (Trần, 2019). Trong quý 1 năm 2019, Huawei Technologies Co. vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất di động thông minh lớn thứ hai thế giới, thu hẹp khoảng cách với công ty dẫn  đầu – Samsung của Hàn Quốc với tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh bất chấp những sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ (Minh, N., 2019). Sự đột phá của các công ty có thế mạnh công nghệ của Trung Quốc như ZTE, Huawei, Alibaba, Tencent và iFlytek cũng đem lại những đóng góp quan trọng việc phát triển AI.

Đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng khoảng 15 trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong sản xuất cấp quốc gia, với mục tiêu nghiên cứu các dự án chế tạo thông minh, xây dựng các nhà máy sản xuất số hóa cao, thực thi các dự án đổi mới sáng tạo về trang thiết bị cấp cao như thiết bị linh kiện cho hàng không vũ trụ, sản xuất máy bay cỡ lớn, động cơ và tuabin khí đốt…(Nguyễn, 2019).

2.3. Những cơ hội và thách thức trong tương lai

Kế hoạch “Made In China 2025”đã đi được một nửa chặng đường và gặt hái được nhiều thành tựu, khẳng định hơn nữa tiềm năng phát triển của Trung Quốc trong khoa học và công nghệ, khiến các cường quốc sản xuất khác phải dè chừng. Trong 5 năm còn lại để hoàn thiện MIC 2025, Trung Quốc sẽ đối diện với nhiều cơ hội cũng như thách thức cả về chủ quan và khách quan.

2.3.1 Những cơ hội

– Sự hỗ trợ đến từ chính sách của Chính phủ Được hỗ trợ bởi các chính sách quốc gia, ngành chế tạo công nghiệp sẽ đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường ứng dụng hạ nguồn đang dần được cải thiện, và quá trình hiện đại hóa các ngành công nghiệp hạ nguồn như công cụ máy móc, dệt may và bao bì sẽ được Chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh hơn nữa.

– Tự động hóa trong công nghiệp trở thành một xu thế toàn cầu. Với sự tăng tốc của tự động hóa công nghiệp, ngày càng có nhiều dây chuyền sản xuất tự động và thông minh được ra đời, các nhà máy sản xuất tự động hóa được xây dựng, thúc đẩy hiệu quả sự tăng trưởng nhu cầu của các sản phẩm công nghệ. Các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng gió, quang điện, năng lượng mới, thiết bị y tế và

robot sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển tốt.

2.3.2 Những thách thức

– Sự lan rộng của đại dịch Coronavirus

Những kế hoạch mà Chính phủ Trung Quốc dự kiến thực hiện trong năm 2020- 2021 có thể sẽ bị đẩy lùi chậm hơn so với tiến độ do ảnh hưởng của Coronavirus, khi mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 là ngăn chặn sự lây lan và khắc phục hậu quả của dịch bệnh này.

– Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Năm 2018, mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 6,6%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 1990 tới nay (Báo Thế giới và Việt Nam, 2019). Những đòn tấn công của chính quyền Donald Trump đã ảnh hưởng đến nền kinh tế đứng thứ hai thế giới và khiến sự tăng trưởng của Trung Quốc bị chững lại. Số liệu thống kê công bố của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2019 có dấu hiệu giảm sút (Báo Thế giới và Việt Nam, 2019). Dưới sức ép của Mỹ, một số công ty đa quốc gia di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, kéo theo đó là sự chuyển hướng của dòng vốn FDI, điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nâng cấp công nghệ của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã có thỏa thuận tạm ngừng chiến tranh thương mại để tiến đến tìm kiếm và phát triển lợi ích chung, tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của đại dịch Coronavirus cùng với những sự công kích trực tiếp từ phía Tổng thống Trump cáo buộc trách nhiệm của Trung Quốc đối với sự lây lan của dịch bệnh cũng báo hiệu những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khó có thể làm sụp đổ hoàn toàn kế hoạch trở thành “siêu cường sản xuất” của Trung Quốc, nhưng nó có khả năng đẩy lùi tiến độ thực hiện MIC 2025.

  1. Bài học về đổi mới sáng tạo của Made In China 2025

– Những đóng góp của MIC đối với “Cách mạng Công nghiệp 4.0” Mặc dù được xây dựng dựa trên nền tảng “Cách mạng Công nghiệp 4.0” của Đức, nhưng MIC 2025 sớm đã được phát triển một cách độc lập, sáng tạo, đặc sắc Trung Hoa với những mục tiêu và chính sách cụ thể phù hợp với trình độ hiện tại và tiềm năng phát triển trong tương lai. Cùng với “I-Korea 4.0” của Hàn Quốc, “Thái Lan 4.0” của Thái Lan, “Smart Nation” của Singapore, “Made In China 2025” của Trung Quốc không chỉ là sự ứng dụng thành công của cách mạng công nghiệp mà còn làm phong phú hơn nội hàm của “Công nghiệp 4.0”, đưa Trung Quốc trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa tiên phong trong đổi mới và cải tiến, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho các quốc gia xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp chủ đạo ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Sự dè chừng của phương Tây trước MIC 2025 có thể chuyển hóa thành một động lực quan trọng để các quốc gia đang phát triển và kém phát triển khác trên thế giới thúc đẩy hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực tham gia vào dòng chảy của đổi mới sáng tạo toàn cầu để tránh lạc hậu trước những nền khoa học công nghệ tiên tiến, từ đó, “Công nghiệp 4.0” sẽ được lan tỏa mạnh mẽ dưới nhiều biểu hiện và ứng dụng khác nhau.

Bài học về vai trò của đổi mới sáng tạo trong MIC 2025

Đi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp trì trệ, yếu kém và một xã hội suy nhược do ảnh hưởng tiêu cực từ cách mạng văn hóa đe dọa đẩy Trung Quốc phát triển thụt lùi 100 năm, Chính phủ Trung Quốc khi xây dựng MIC 2025 đã nhận định, một trong những bước đi nòng cốt của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa chính là đổi mới sáng tạo, cải tiến những ngành công nghiệp truyền thống, loại bỏ những công nghệ lạc hậu, lỗi thời, cập nhật những công nghệ tiên tiến, đưa robot vào chuỗi sản xuất để cải thiện năng suất, tiến tới tự động hóa các nhà xưởng (Lý & H.B., 2018). Theo báo cáo Khảo sát toàn diện doanh nghiệp Trung Quốc, từ góc độ đầu tư đổi mới sáng tạo, chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp trong ba năm 2015 – 2017 trung bình đạt mức tăng trưởng 15,4%. Ngoài ra, từ năm 2015 đến năm 2017, cường độ R&D trung bình của các công ty sản xuất Trung Quốc được khảo sát đã tăng từ 1,8% lên 2,2%, mức tăng trung bình hàng năm là 0.2%. Cường độ R&D trung bình của ngành sản xuất của Trung Quốc ngang bằng với Pháp và các nước phát triển khác, gần bằng mức trung bình của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), nhưng vẫn có một khoảng cách nhất định giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhìn nhận được vai trò cốt lõi của đổi mới sáng tạo, trong quá trình thực hiện MIC 2025, Chính phủ Trung Quốc không ngừng mời nguồn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất robot, ưu tiên những doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng tự động hóa trong nước, tận dụng chuyển giao công nghệ như là một cơ hội học hỏi để không ngừng cải tiến, đổi mới diện mạo lạc hậu của ngành sản xuất chế tạo Trung Quốc. Song hành với việc đầu tư cho các ngành công nghiệp yêu cầu khoa học kĩ thuật cao như hàng không vũ trụ, Chính phủ Trung Quốc luôn nỗ lực đảm bảo việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, tích cực chủ động tìm hiểu tìm kiếm và sáng tạo các mô hình mới và con đường phát triển mới trong việc nâng cấp chuyển đổi ngành sản xuấtchế tạo (Lý, 2018).

Kết luận các khuyến nghị của nhóm nghiên cứu từ bài học thành công của Trung Quốc cho Việt Nam

Để có thể chiếm được ưu thế, nắm bắt triệt để những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp mang lại. Việt Nam cần thiết phải khắc phục những điểm yếu và thực hiện đồng bộ hóa các giải pháp, để làm được điều đó, chúng ta cần thiết học tập những nước đi trước. Trong đó có Trung Quốc là một trong những nước dẫn đầu đã thực hiện việc đổi mới sáng tạo một cách mạnh mẽ và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, Việt Nam cần tham khảo, học tập một cách có chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp từ hội thảo đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 của Trường Đại học ngoại thương Hà Nội (người tổng hợp  Đỗ Văn Xuân_Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế)