17 Tháng Ba, 2019 | 13:15
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Tri thức kiều bào Australia tìm cách đưa nghiên cứu ứng dụng về Việt Nam

Đầu tháng Ba vừa quan, các thành viên Câu lạc bộ tri thức kiều bào bang New South Wales, Australia vừa có cuộc gặp mặt đầu tiên của năm 2019.

Giáo sư Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường nước thuộc trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ nhiệm câu lạc bộ tri thức kiều bào bang New South Wales cho biết, tuy mới được thành lập chưa đầy một năm song câu lạc bộ đã tổ chức thành công cuộc thi “Thuyết trình ý tưởng nghiên cứu” để tìm ra đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao tại Việt Nam. Các thành viên trong câu lạc bộ cũng từng bước xây dựng quan hệ đối tác nghiên cứu với các doanh nghiệp KHCN tại các khu công nghệ cao ở Việt Nam qua sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng đại diện Khoa học công nghệ tại Sydney.

Trong năm qua, câu lạc bộ cũng đã hỗ trợ một số thành viên hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia trong nước, thu hút nguồn tài trợ nghiên cứu từ các tổ chức của Australia. Đồng thời, các thành viên của câu lạc bộ cũng đã góp phần trong chương trình thiện nguyện “Áo ấm vùng cao”, mang sách vở dụng cụ học tập và nhu yếu phẩm đến với hàng trăm em nhỏ tại khu vực khó khăn trong nước.

Sang năm 2019, câu lạc bộ đặt mục tiêu sẽ có nhiều hoạt động chuyên môn sâu để mở rộng mạng lưới và kết nối các thành viên. Chương trình mà câu lạc bộ đang hướng tới đó là xây dựng đề án nghiên cứu chung giữa các thành viên trong câu lạc bộ với nhiều tuyến đề tài có giá trị đối với Việt Nam làm cơ sở xin nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation vừa được công bố đầu năm nay.

Với các nhà khoa học, việc có cơ hội để đóng góp tri thức cá nhân là sự khích lệ lớn, vì vậy, việc xây dựng đề án nghiên cứu khoa học chung giữa các thành viên trong câu lạc bộ không chỉ giúp các tri thức kiều bào tìm tòi và triển khai các công trình có tính ứng dụng cao tại Việt Nam mà còn tạo ra sức hút để câu lạc bộ thu hút thêm các thành viên mới.

Đây chính là điều mà tiến sỹ Vương Văn Quân, giảng viên cao cấp về khoa học thực phẩm và dinh dưỡng con người thuộc trường Đại học New Castle tâm đắc. Anh Quân nói: “Cần thiết phải mở rộng các thành viên khi mà tại bang New South Wales có rất nhiều anh em là nhà khoa học. Khi chúng ta mở rộng hội viên để kết nối được mọi người thì hy vọng sẽ mở rộng được câu lạc bộ. Câu lạc bộ này thực sự rất hay bởi chúng ta có thể giúp đỡ và phối hợp được với nhau. Khi mà mọi người đều nhìn thấy quyền lợi sát sườn thì sẽ rất hào hứng để tham gia”.

Bên cạnh đó, một số thành viên của CLB tri thức kiều bào bang New South Wales sẽ về Việt Nam giảng dạy trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đại học công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) ngày 26-27/3 sắp tới về ứng dụng công nghệ trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

07_03_13_Tri thức kiều bào Australia

 

Đồng hành với các hoạt động Câu lạc bộ tri thức kiều bào bang New South Wales từ khi thành lập cho đến nay là Văn phòng đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Sydney. Trong năm nay, hai bên có nhiều kế hoạch hợp tác, tổ chức các chương trình hành động thiết thức để khuyến khích xây dựng mạng lưới chuyên gia kiều bào hợp tác nghiên cứu các đề tài khoa học cần thiết và chuyển giao công nghệ tiên tiến về Việt Nam.

Ông Chu Quang Hòa, Trưởng Văn phòng đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Sydney cho biết: “Trong năm 2019, văn phòng có kế hoạch tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội nghị mang tính chất chuyên môn trong giới khoa học và giới quản lý, đồng thời phấn đấu tổ chức 2 cuộc thi nhằm tìm ra các ý tưởng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại Việt Nam, để đưa về phối hợp với các quỹ đầu tư khoa học công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm cụ thể”.

Câu lạc bộ tri thức kiều bào bang New South Wales tuy là câu lạc bộ non trẻ song sự tham gia của các thành viên trong đó có cả các nhà nghiên cứu hàng đầu của Australia hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều động lực cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Australia trong lĩnh vực khoa học công nghệ- một trụ cột trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.

Nguồn: Văn phòng đại diện Khoa học công nghệ tại Sydney, Bộ Khoa học và Công nghệ