15 Tháng Sáu, 2018 | 14:08
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Blockchain

Bằng các đề án, chương trình quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ Blockchain.

Diễn đàn “Blockchain – Xu hướng và tầm nhìn phát triển” do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo báo VnExpress tổ chức ngày 14/06/2018 tại Hà Nội thu hút đông đảo chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Theo ông Adam Vaziri (Tổng Giám đốc QRC Group), Blockchain hiểu nôm na là một cuốn sổ cái mở và phân tán thông tin, nhưng cho phép người dùng kiểm soát thông tin. “Khi ai đó lưu trữ thông tin trên Google, nếu Google một ngày nào đó không hoạt động thì toàn bộ thông tin, dữ liệu sẽ biến mất. Trong khi với blokchain, nếu một máy bị ảnh hưởng thì các dữ liệu vẫn được lưu giữ trên các máy khác”, ông Adam Vaziri nói.

Với Blockchain, lần đầu tiên trong lịch sử con người không thể thay đổi thông tin, đảm bảo tính bảo mật. Bởi muốn làm được, họ cần sự đồng thuận của hàng nghìn người sử dụng ứng dụng công nghệ này.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng Blockchain

Từ những tiềm năng của Blockchain, các doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam cần có khung pháp lý đủ thuận lợi cho họ phát triển. Họ mong Chính phủ, quản lý nhà nước cần cố gắng tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ này ở tất cả lĩnh vực có thể, bởi nó mang lại sự rõ ràng, minh bạch, từ đó tạo niềm tin cho người dân.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.

Ông Chu Ngọc Anh Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Diễn đàn..

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh để hỗ trợ các ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển.

Thông qua các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển ứng dụng Blockchain như chương trình khoa học công nghệ về Chính phủ điện tử; chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Bộ sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

“Cuộc cách mạng lần thứ 4, với nhiều công nghệ cốt lõi như Trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ trên mặt của đời sống kinh tế – xã hội, cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Liên quan vấn đề này, ông Đàm Bạch Dương (Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ Bộ đang thực hiện đề án “Phát triển hệ tri thức việt số hóa”. Đây được cho là không gian để lĩnh vực Bockchain có điều kiện để phát triển tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp cũng cho biết đang và tiếp tục tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển ứng dụng Blockchain.

Blockchain ứng dụng hầu hết lĩnh vực

Trên thế giới, nhiều quốc gia như Nhật, Mỹ đã ứng dụng Blockchain ở nhiều lĩnh vực, thậm chí cả điều hành kinh tế xã hội. Tại Việt Nam, dù công nghệ này mới được phát triển bởi một số doanh nghiệp, nhưng các chuyên gia quốc tế tin Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ của Blockchain, trước hết là ở ngân hàng, y tế, nông nghiệp.

Ông Adam Vaziri trình bày bài tham luận.

Diễn giả Adam Vaziri nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ Blockchain.

Trong nông nghiệp, ông Đỗ Văn Long (Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs) cho hay một doanh nghiệp kinh doanh xoài nếu ứng dụng Blockchain sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí mà lại có thêm lớp quản trị thông tin, lưu trữ mọi khâu từ khi trồng đến thu hoạch chế biến. Người dùng chỉ cần điện thoại thông minh có thể kiểm tra mọi dữ liệu, ngay cả mức độ chua của xoài, nên ăn hay không.

Trong y tế, Blockchain sẽ giúp kết quả của người bệnh được bảo mật toàn bộ thông tin. Nếu người bệnh nhu cầu chuyển sang bệnh viện nào đó trên thế giới thì chỉ cần dựa vào công nghệ này là truy xuất được thông tin.

Ông Cris D. Trần – Giám đốc QRC Group còn dẫn câu chuyện về giấy chứng nhận hôn nhân làm dẫn chứng về ứng dụng của Blockchain trong cuộc sống. Thông thường, khi hai người ở hai quê khác nhau muốn lập gia đình tại TP HCM, họ phải về quê để xin xác nhận tình trạng độc thân. Nhưng nếu toàn bộ thông tin cá nhân đều sẽ được đưa lên công nghệ Blockchain thì cặp đôi dù có mặt ở bất kỳ đâu đều có thể kết nối và biết thông tin. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng sẽ được lưu trữ tại công nghệ này mà không lo bị mất.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn.

Nguồn: Báo điện tử tin nhanh VnExpress