1 Tháng Sáu, 2019 | 22:05
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa hay cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Ngày 29/5/2019, tại Hà nội, theo đặt hàng từ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (Trung tâm) đã trình bày  chuyên đề “Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ” trong khuôn khổ “lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ năm 2019”. Lớp học có sự tham dự của gần 200 học viên đến từ các bộ/ngành, địa phương, các viện trường trong cả nước.

ĐMST-1

Giám đốc Bùi Quý Long  trình bày tại Lớp học – Ảnh: VISTIP

Chuyên đề  “hội nhập quốc tế về khoa học -công nghệ” của Trung tâm do đồng chí Giám đốc Bùi Quý Long trình bày đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các học viên liên quan đến hội nhập quốc tế về khoa học-công nghệ nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ tại Việt Nam nói riêng trên cơ sở những chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng  ta về hội nhập quốc tế suốt các kỳ đại hội (đặc biệt là từ Đại hội lần thứ IX của Đảng đến nay). Bài trình bày cũng là dịp  để phổ biến kiến thức pháp luật về hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ như quy định tại Khoản 8 Điều 11 của Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2013. Hy vọng sẽ có nhiều khóa học với đối tượng học viên đa dạng hơn sẽ được nghe chuyên đề về hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ vì thực  tế đến  đến nay, rất ít người hay cơ quan đơn vị  biết rằng hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là lĩnh vực hội nhập quốc tế chuyên ngành duy nhất tại Việt Nam  được luật hóa để tuân thủ và thực hiện.

ĐMST- 2

Toàn cảnh lớp học – Ảnh: VISTIP

Với sự đầu tư và tài trợ thông qua nhiều Chương trình, đề án (Chương trình SAREC/SIDA, Thụy Điển giai đoạn 2004-2007; Đề án hội nhập khoa học-công nghệ đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011-Đề án 735 hay Chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia: Nghiên cứu và phát triển hội nhập KH-CN quốc tế mã số KX.06/11-15 được Bộ KH-CN phê duyệt năm 2011… ), nhiều đề tài nghiên cứu cả về cơ chế chính sách lẫn ứng dụng về lĩnh vực “Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ” đã được thực hiện bởi các nhà khoa học và quản lý trong cả nước đạt nhiều kết quả tốt với nhiều khuyến cáo được áp dụng như đề tài ”Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ” do PGS.TS Đặng Ngọc Dinh làm Chủ nhiệm và Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học-Công nghệ chủ trì thực hiện năm 2004 dưới sự tài trợ của Dự án SAREC, Thụy Điển. Nhận thức rõ, vị trí, vai trò của hoạt động “Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ”, năm 2013 trong quá trình sửa đổi Luật Khoa học-Công nghệ 2000  Chính phủ đã thống nhất đề nghị luật hóa hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học-công nghệ bằng việc bổ sung một chương mới (chương 8: Hội nhập quốc tế về khoa học-công nghệ) trong Luật Khoa học-Công nghệ sửa đổi và đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 với  hiệu lực thi hành từ 1-1-2014.

ĐMST 3

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ”- Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN.vn

Theo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, “Năng lực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ” chính là năng lực “tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư” bởi vì,  về thực chất Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là “Cuộc cách mạng công nghệ”. Hiểu được vị trí, vai trò của hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa, tại  Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 4-1-2017 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu  kết luận hội nghị Thủ tướng cho rằng “toàn cầu hóa là cơ hội to lớn, nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ bị tụt lại xa hơn mà văn minh nhân loại có được” và yêu cầu  ” Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học-công nghệ”. Ngay sau đó, ngày  04/5/2017, Thủ tướng  đã ký ban hành Chỉ thị 16/CT-Ttg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quyết tâm để Việt Nam không bị bỏ lại bởi “con tàu Cách mạng công nghiệp 4.0” này.

Nguồn: Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế