28 Tháng Mười Một, 2019 | 9:39
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Tọa đàm kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao, Ngày 26 tháng 11 năm 2019 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (VISTIP) tổ chức buổi tọa đàm  “Kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST)”.

Tham dự tọa đàm có đại biểu đến từ một số đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý của một số Bộ, ngành. Ông Bùi Quý Long – Giám đốc Trung tâm đến dự, khai mạc và chủ trì buổi tọa đàm. Phát biểu tại phiên khai mạc, Ông Bùi Quý Long nhấn mạnh, ngày nay có rất nhiều hãng công nghệ nước ngoài nổi lên tạo động lực mới cho nền kinh tế thế giới. Điều đó cho thấy vai trò của đổi mới sáng tạo, và khi nghiên cứu mô hình một số quốc gia có nền KH&CN tiên tiến và có hoạt động đổi mới sáng tạo mạnh thì chính sách và nguồn lực đầu tư cho KHCN và ĐMST rất quan trọng. Quá trình khởi nghiệp, vấn đề gọi vốn, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được các quốc gia quan tâm và có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về ĐMST và  đổi mới sáng tạo mở, Ông Bùi Quý Long cũng chia sẻ với hội nghị tọa đàm một số thành công cũng như thất bại của quá trình khởi nghiệp ĐMST của một số quốc gia trên thế giới. Trong đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng thì các yếu tố về thị trường, sự tự do hoạt động của các quỹ hỗ trợ, quỹ thiên thần, nhà đầu tư thiên thần  ( Angel Investor) là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam, các quỹ thiên thần, nhà đầu tư thiên thần hay các Quỹ của nhà nước hỗ trợ phát triển công nghệ và ĐMST còn hoạt động cầm chừng, thiếu sự linh hoạt dẫn đến nghẽn dòng chảy vốn. Do đó các startup Việt có ý tưởng sáng tạo khó đưa ý tưởng vào hiện thực do thiếu vốn, bên cạnh đó cơ chế (tài chính, thuế….) cho phép các nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ hoạt động ĐMST cho các startup, cũng như các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các startup còn  một số hạn chế cần khắc phục.

IMG_4440

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng- Trường Đại học kinh tế quốc dân chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm (ảnh VISTIP)

Phát biểu chia sẻ với tọa đàm PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đến từ Trường Đại học kinh tế quốc dân cũng chia sẻ một số mô hình thành công của hoạt động ĐMST ở Châu Âu (EU) theo đó Châu Âu gần như là cái nôi của ĐMST và là nơi khởi đầu và diễn ra đầy đủ các cuộc cách mạng công nghiệp 1,2,3,4…trong đó PGS Lạng đã chia sẻ với tọa đàm các thông tin về chính sách khung về tài chính (MFF) giai đoạn 2014-2020 đầu tư phát triển công nghệ, hợp tác công tư trong đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ theo vùng, ĐMST trung gian tài chính ngân hàng. Quỹ đầu tư và Cơ cấu Châu Âu với khoản đầu tư 21.4 tỷ USD cho lĩnh vực chuyển đổi số từ thành thị đến nông thôn, hiện đại hóa các quy định về quyền sở hữu tài sản trí tuệ EU. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cũng so sánh EU với các quốc gia châu Á cũng như với các nước đang phát triển và chỉ ra rằng, mỗi nước có một đặc thù về điều kiện kinh tế xã hội hạ tầng, phương thức sản xuất có trình độ khác nhau….vậy nên, việc học tập mô hình ĐMST của các quốc gia có nền KHCN phát triển cũng cần chọn lọc những mô hình, cách làm phù hợp nhất với đất nước ta trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

IMG_4474

TS Đỗ Tất Cương- Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm (ảnh VISTIP)

TS Đỗ Tất Cương -Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với tọa đàm kinh nghiệm của một số quốc gia, nền kinh tế về thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thực tế hóa ý tưởng ĐMST.  Theo nghiên cứu của TS Đỗ Tất Cường, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ là chuỗi các hoạt động nhằm chuyển hóa một ý tưởng sáng  tạo trở thành sản phẩm cuối cùng, Thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ thường được mô tả như nguồn sống của quốc gia và doanh nghiệp. Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ được mô tả như khả năng tồn tại bền vững của doanh nghiệp bởi vì nó tạo ra thị trường mới cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh . Steven và Burley (2007) ước tính có khoảng 1/3000 ý tưởng sáng tạo mới trở thành sản phẩm thành công. Từ 3000 ý tưởng ban đầu, 300 được lựa chọn vào giai đoạn tiếp theo, 100/300 trở thành các dự án R&D quy mô nhỏ, 8/100 được phát triển thành công thành các dự án, 1,7/8 sản xuất thành sản phẩm và chỉ có 1 sản phẩm thành công. Tỷ lệ này trong ngành dược phẩm thậm chí còn thấp hơn 1/10000, TS Cường nói.

Tựu chung tỷ lệ thành công thấp và chi phí cao của việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ trở thành một áp lực cho các Viện Nghiên cứu, Đại học bởi vì nguồn tài chính bị giới hạn. Do đó, việc tìm kiếm các công cụ mới cho việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ trở nên cấp bách. Mỗi quốc gia có một sự lựa chọn riêng cho mình về ban hành chính sách và các ưu tiên về chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nâng đỡ các ý tưởng đổi mới sáng tạo hiệu quả.

IMG_4458

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại tọa đàm (ảnh VISTIP)

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công ngoài việc cung cấp thông tin cho các đại biểu còn mở ra một số gợi ý chính sách áp dụng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế