21 Tháng Năm, 2021 | 8:16
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Trần Thanh Phương và Hà Thanh Hương – Viện kinh tế và kinh doanh quốc tế, trường ĐH ngoại thương Hàn Quốc có rất nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và qua đó tham vấn gợi ý một số bài học áp dụng trong bối cảnh của Việt Nam. Trang thông tin điện tử Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN trích dẫn một số thông tin nổi bật kết quả nghiên cứu của hai tác giả nêu trên

Hội thảo ĐMST- Ngoại thương

“Hội thảo đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” ( ảnh VISTIP)

1.Thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hàn Quốc

Hiện nay Hàn Quốc đang vững bước trên con đường vươn mình để trở thành một quốc gia khởi nghiệp thành công không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Quốc gia này có hệ sinh thái khởi nghiệp rất phát triển với hơn 30.000 startup, tạo thêm hơn 100.000 việc làm và có trên 120 công ty quản lý quỹ mạo hiểm và phần lớn quỹ này tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup. Chính phủ Hàn Quốc tin rằng việc ủng hộ các ngành công nghiệp đầu tư bằng quỹ mạo hiểm là cần thiết vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai. Theo WEF, năm 2019 (WEF, 2019), Hàn Quốc được xếp hạng thứ hai về chỉ số đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á và thứ 11 trên Thế giới. Những minh chứng về tốc độ tăng trưởng tốt của hệ sinh thái khởi nghiệp đang xếp hạng hàng đầu thế giới và sức hấp dẫn với các nhà đầu tư là số lượng startup kì lân ở Hàn Quốc đang trên đà tăng tốc, phát triển mạnh mẽ. Vào năm 2014, quốc gia mới chỉ xuất hiện hai doanh nghiệp tỷ Đô la là đại gia thương mại điện tử Coupang và nền tảng kinh doanh di động Yello Mobile, năm 2017, quốc gia có thêm một kỳ lân L&P Cosmetics. Đến năm 2018, quốc gia có sự góp mặt thêm của 3 kỳ lân mới gồm nhà phát triển trò chơi Krafton, nhà phát triển trò chơi Viva Republica và Woowa Brothers, nhà điều hành dịch vụ giao thức ăn Baemin. Năm 2019, lại có thêm không dưới 5 công ty khởi nghiệp ở quốc gia này chạm mốc một tỷ đô. Năm 2019, theo báo cáo của CB Insights (Insights, 2020), doanh nghiệp khởi nghiệp sinh học Aprogen trở thành kỳ lân thứ 11 của Hàn Quốc. Doanh nghiệp này đã được nhận khoản đầu tư là 16,7 triệu USD từ công ty đầu tư mạo hiểm Lindeman Asia Investment và liên doanh được thành lập độc quyền trong kỹ thuật kháng thể và kỹ thuật protein tái tổ hợp. Ngoài ra, số lượng kỳ lân và rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở xứ sở kim chi này vẫn không ngừng tăng đáng kể, điều này không chỉ thể hiện được tiềm năng của startup mà còn thể hiện được các hệ sinh thái khởi nghiệp ở quốc gia này đang phát triển mạnh mẽ (Trần Thị Vân Anh, 2016). Song hành với sự tồn tại của các startup kỳ lân hay các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là sư hình thành của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hàn Quốc. Tại quốc gia này, có thể kể đến một số mô hình vườn ươm khởi nghiệp và tăng tốc khởi nghiệp nổi bật như: Đầu tiên là KISED (Korea Institute of Startup & Entrerpreneurship Development): là một vườn ươm khởi nghiệp và được thành lập vào năm 2008 với mục đích hỗ trợ nền kinh tế khởi nghiệp tại Hàn Quốc. KISED hoạt động với hi vọng sẽ tạo ra đa dạng các dịch vụ giáo dục để giúp tăng sự tự tin của các doanh nhân và lan tỏa sự tự tin đó ra môi trường xung quanh. KISED cũng đặc biệt tập trung vào hai dạng doanh nhân khác nhau đó là sinh viên tiềm năng và các doanh nhân lâu năm. Để giúp cho các doanh nhân nâng cao được kiến thức về việc làm và tạo ra các khu vực dành riêng cho sinh viên, KISED đã và đang thực hiện chương trình Học viện startup, trong đó Học viện sẽ cung cấp các bài giảng, dịch vụ tư vấn và các cơ hội giao lưu kết nối tại 21 trường đại học khác nhau trên phạm vi cả nước. Tiếp đó, KISED cũng xây dựng và triển khai một số chương trình hỗ trợ startup toàn cầu với sự hợp tác của một số vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp khác để có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài của các startup Hàn Quốc.

Thứ hai là chương trình vườn ươm công nghệ cho các startup TIPS (Tech Incubator Program for Startup) có thời gian kéo dài từ 2 – 3 năm dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới với sự hợp tác từ phía Chính phủ và các mô hình tăng tốc khởi nghiệp. Trong đó, sẽ có khoản hỗ trợ lên đến 500.000 USD từ

Chính phủ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, các startup có thể được nhận các khoản hỗ trợ thêm lên đến 200.000 USD tùy vào mức hỗ trợ trước đó mà doanh nghiệp được nhận từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, nếu thành công, doanh nghiệp này phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền hỗ trợ với lãi suất là 10%. Ngoài các khoản chi của Chính phủ, TIPS còn đóng vai trò kết nối các startup với các nhà đầu tư thiên thần. Tính đến tháng 5/2018, TIPS đã kêu gọi được gần 72 triệu USD cho hoạt động đầu tư, 137,8 triệu USD dành cho hoạt động R&D và khoảng 504 triệu USD cho các hoạt động sau đầu tư (Ryan Vũ, 2020).

Thứ ba, D – camp là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2013. D –camp hoạt động như một hệ sinh thái khởi nghiệp, ngay từ đầu tổ chức đã gây quỹ được 470 triệu đô la và cung cấp 60.000 feet không gian làm việc hoàn toàn miễn phí cho các hoạt động kinh doanh khởi nghiệp. Đây là trung tâm tích hợp kinh doanh đầu tiên tại

Hàn Quốc và tính đến hiện tay trung tâm đã hỗ trợ được khoảng 4.000 startup. D – camp là tổ chức được thành lập dưới sự hợp tác của 18 ngân hàng và các tổ chức tài chính từ các Hiệp hội ngân hàng Hàn Quốc và được vận hành bởi Tổ chức Ngân hàng Những doanh nhân trẻ. Mục tiêu của D – camp là giúp đỡ các doanh nghiệp trẻ tại Hàn Quốc và tạo cơ hội để kết nối những startup có triển vọng với mạng lưới các nhà đầu tư. (Lo,2016)

Thứ tư, Maru180 là một vườn ươm khởi nghiệp có trụ sở ở tại thủ đô Seoul. Maru180 cung cấp cho các doanh nhân địa điểm làm việc, chương trình giáo dụng, hỗ trợ kết nối các startup với các nhà đầu tư và mạng lưới kết nối. Maru 180 thúc đẩy mở rộng môi trường kinh doanh, có cơ chế hợp tác với các nhà đầu tư, các mô hình vườm ươm và tăng tốc khởi nghiệp như Campus Seoul, DSC Investment. (Lo, 2016). Tiếp theo, 10K là một chương trình chuyên tạo không gian làm việc và dịch vụ hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. 10K cũng có trụ sở được đặt tại Seoul. Mục tiêu của tổ chức này là giúp đỡ và đầu tư vào các công ty nhỏ tại các thành phố thông minh trên toàn khu vực châu Á. Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của 10K kéo dài 3 tháng, cung cấp cho các startup ở giai đoạn đầu những cơ hội kết nối, nhận vốn và tư vấn đầu tư. (Lo, 2016) Đại diện cuối cùng là Accelerate Korea: Một chương trình vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp ở phạm vi toàn quốc được tài trợ bởi Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Công nghệ thông tin Hàn Quốc (NIPA), Bộ Khoa học – Công nghệ thông tin và Kế hoạch cho tương lai của Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBA), KISED và Quỹ đầu tư mạo hiểm 22 Centurion Ventures. Accelerate Korea hỗ trợ các startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thông qua hoạt động giáo dục và đầu tư trực tiếp. (Lo, 2016)

2.2. Chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hàn Quốc

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Hàn Quốc từng bước phát triển, thay vì trước đây, giai đoạn 1960-1980, tập trung vào ngành nghề tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, thì nhiều năm gần đây Chính phủ đã nâng cao hệ sinh thái đổi mới và thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo. Chính phủ Hàn Quốc đã và đang cố gắng phát triển hệ thống giáo dục nhằm nuôi dưỡng sáng tạo, cung cấp không gian làm việc, hội tụ khoa học, công nghệ, văn hóa và tăng thị trường cho doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm và công việc có giá trị gia tăng mới. Hàn Quốc đã và đang tạo điều kiện để phát triển hệ sinh thái đổi mới bằng cách thúc đẩy các khu vực khởi nghiệp và cách doanh nghiệp vừa và nhỏ với các ý tưởng và công nghệ sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Hàn Quốc được phân bổ thành 17 khu vực khởi nghiệp với ba mục tiêu chính. Thứ nhất là để kích thích việc kinh doanh bằng việc khám phá và nuôi dưỡng các startup và các doanh nghiệp vừa cùng với việc hỗ trợ tư vấn, dịch vụ pháp lý, tài chính và các thủ tục, dịch vụ tại các khu vực. Tiếp theo là thúc đẩy các ngành công nghiệp hàng đầu trong khu vực bằng cách kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm và mạng lưới kinh doanh (LG, Samsung, Hyundai, SK, Naver…). Thứ ba là tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp phát triển và hợp tác toàn cầu bằng cách tận dụng các tài sản đổi mới trên toàn cầu như vốn tài chính, công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh, lao động có trình độ khoa học công nghệ, và thị trường. Cụ thể là một số chính sách của chính phủ Hàn Quốc

dành cho các startup như sau: (Ryan Vũ, 2020) Đầu tiên, tháng 7/2013, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập sàn Giao dịch chứng khóa Korea New Exchange (KONEX) để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận với nguồn vốn và tạo cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư. Mặc dù KONEX cũng tương tự như các sàn giao dịch đại chúng khác, nhưng sàn giao dịch này được thành lập dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với những điều kiện nhất định quy định về năng lực tài chính và khả năng pháp lý. Nhờ đó, Hàn Quốc được đánh giá là quốc gia tiên phong và thành công trong lĩnh việc xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Lê Minh Hương, 2017).

Tiếp theo, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố chính thức bổ nhiệm Bộ trưởng startup và Bộ trưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ vào ngày 23/10/2017. Điều này cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đã rất coi trọng vai trò của việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi

nghiệp. Cũng trong năm 2017, Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc mở rộng quy mô và nâng tầm thành Bộ Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và startups với mục tiêu đưa nền kinh tế Hàn Quốc trở thành quốc gia có “nền kinh tế kiến tạo”. Trước đó, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc chỉ đóng vai trò như một cơ quan thúc đẩy tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh tại Hàn Quốc. Hiệp hội này có chức năng giúp đỡ các startup tìm kiếm môt không gian làm việc và gọi vốn thông qua việc tạo ra nhiều vườm ươm doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với sự hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau. Tiếp theo là tạo các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phong phú. Tiêu biểu nhất là K – Startup Grand Challenge là chương trình khởi nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức với mục đích là xây dựng một hệ sinh thái mở, giúp các startup mở rộng thị trường tại châu Á thông qua bước đệm là Hàn Quốc. Kể từ khi cuộc thi bắt đầu diễn ra vào tháng 5/2018, K-Startup Grand Challenge đã tổ chức được nhiều lần trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu của chương trình là đem đến cơ hội kết nối với các đối tác tại Hàn Quốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình này đã góp phần tăng tốc độ phát triển và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc trong khu vực châu Á. Cùng với đó là chính sách về thuế. Chính phủ Hàn Quốc cho phép giảm thuế cho các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao thông qua các hình thức như khấu trừ thuế đối với các khoản đầu tư lên tới 50 triệu won (từ 30% đến 50%); giới hạn khấu trừ thu nhập hàng năm (từ 40% đến 50%); giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường hợp sáp nhập hoặc mua lại các doanh nghiệp startup công nghệ cao hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hơn 5% doanh thu hàng năm và được mua với giá tối thiểu là 150% (CL&CSTC, 2018). Về chính sách cấp vốn đầu tư, để thúc đẩy tăng trưởng mới cho nền kinh tế, từ năm 2013 Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ, ưu đãi thuế, vay trợ cấp và đặc biệt tạo ra một quỹ hỗ trợ, thông qua các Bộ và đầu tư vào startup để tạo nên cơ chế đầu tư từ trên xuống dưới. Chương trình kéo dài trong tối thiểu một năm và các startup có thể triển khai thử nghiệm ý tưởng của mình một cách nhanh chóng và chuyển hướng mô hình nếu cần thiết. Chương trình hỗ trợ vốn đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc cụ thể là khi một người có một khoản tiền để đầu tư cho các chương trình kéo dài trong một khoảng thời gian thường là dưới 1 năm thì người đó chỉ phải bỏ vào 30% vốn đầu tư, trong đó có 10% là tiền mặt và 20% là tài sản và còn lại 70% là vốn góp tối đa của Chính phủ sẽ sử dụng quỹ hỗ trợ. Khoản hỗ trợ này sẽ không yêu cầu lấy cổ phần của các startup. Đây là cơ hội lớn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tuy nhiên các startup vẫn gặp khó khăn do hạn chế của cơ chế thủ tục hành chính, giải ngân và thanh toán.

Bên cạnh chính sách cấp vốn đầu tư, Chính phủ Hàn Quốc còn có cơ chế hỗ trợ startup thông quan các bên thứ ba. Đầu tiên là các cơ quan xúc tiến, viện nghiên cứu và các trường đại học trong khu vực tổ chức đấu thầu các chương trình hỗ trợ cấp vốn của Chính phủ. Sau đó, Chính phủ tổ chức các chương trình để các startup nộp hồ sơ xin cấp vốn nhưng không trực tiếp lựa chọn ngay thời điểm đó mà sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là xem xét các hồ sơ xin cấp vốn và giai đoạn tiếp theo là đánh giá và lựa chọn các dự án khởi nghiệp có tiềm năng do các doanh nghiệp lớn lâu năm, những luật sư về bằng sáng chế và các chuyên gia đầu ngành xét duyệt. Cuối cùng các startup và đơn vị trúng thầu sẽ được Chính phủ chính thức ký hợp đồng. Các đơn vị trúng thầu có nhiệm vụ triển khai tiếp các công việc huấn luyện và báo cáo nghiệm thu cho cơ quan Chính phủ trước khi chương trình kết thúc. Cách hỗ trợ này sẽ giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng nhất có cơ hội được trình bày về ý tưởng của mình.

  1. Bài học rút ra từ kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho Việt Nam

Từ chính sách và những kinh nghiệm của Hàn Quốc, để có thể hoạt động hỗ trợ

khởi nghiệp được khai thác hiệu quả, thời gian tới Chính phủ và các cấp, các ngành, các bộ phận liên quan cần chú trọng đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần phải xác định xây dựng hệ sinh thái hiệu quả cần có thời gian, cần học tập có chọn lọc và phải phù hợp với quốc gia, khu vực. Điều này có nghĩa rằng việc hình thành và phát triển của hệ sinh thái không thể vội vàng sao chép các mô hình của nước khác mà chúng ta phải đánh giá được đúng thực trạng hoạt động khởi nghiệp trong nước. Từ đó, Việt Nam mới cụ thể hóa chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp bằng các chương trình tổng thể với các bước triển khai cụ thể để dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thứ hai, sau khi đánh giá được thực trạng của đất nước, Chính phủ cần phải xây

dựng lại thể chế và pháp luật phù hợp đáp ứng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trước hết, cần phải rà soát, tổng hợp các đề xuất sửa đổi, thay thế, bổ sung hoặc loại bỏ những điều khoản trong văn bản quy phạm pháp luật để vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, vừa hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tiếp theo là đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp

Thứ ba, phát triển các mô hình vườn ươm doanh nghiệp và không gian khởi

nghiệp. Không chỉ Hàn Quốc, mà hầu hết các quốc gia phát triển đều ứng dụng mô hình này và kết quả đem lại là rất tích cực. Do vậy, Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng và khuyến khích khu vực tư nhân hình thành nên các vườn ươm khởi nghiệp, các trung tâm hỗ trợ sáng tạo và các không gian khởi nghiệp sáng tạo. Các cơ quan nhà nước nên ban hành các chính sách hỗ trợ cho các hệ sinh thái khởi nghiệp như: hỗ trợ hoạt động đào tạo, các chuyên gia, hỗ trợ thuế, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng không gian làm việc… Vị trí các trung tâm khởi nghiệp, không gian sáng tạo nên được bố trí gần các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm văn hóa, giáo dục để thuận tiện cho các giao dịch, đi lại, có cảnh quan và không gian để kích thích, thu hút sự sáng tạo.

Thứ tư, Việt Nam tăng cường thúc đẩy và hình thành thị trường đầu tư mạo hiểm.

Thực tế cũng đã chỉ ra vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải là vốn, khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp này với các nguồn lực tài chính trong nước và nước ngoài. Trong đó, hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam còn hạn chế, mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ thông tin và internet trong khi các mảng khác về công nghệ đời sống như vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ sinh học và phương thức vận tải lại chưa phát triển, nguyên nhân một phần là do đòi hỏi vốn đầu tư trong mảng này lớn và dài hạn hơn. Các chuyên gia cũng đã khuyến nghị Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ giúp các thủ tục đăng ký, chuyển tiền và giải ngân cho các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm được rút ngắn và đơn giản hơn. Chính sách nên cởi mở hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm đến từ nước ngoài cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì sự đầu tư đó không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn kết nối nguồn chất xám trong nước với thị trường toàn cầu, qua đó giúp tăng cường năng lực công nghệ và hoạt động nghiên cứu trong nước để phát huy, góp phần phục vụ sự phát triển lâu dài cho quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân dễ dàng tiếp cận đến các doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ thành công của mô hình Sàn chứng khoán chuyên biệt Korea New Exchange của Hàn Quốc, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu xây dựng sàn chứng khoán chuyên biệt tương tự cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Qua đó, mô hình này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn mà còn thuận tiện để người mua và người bán trái phiếu và cổ phiếu được gặp nhau dễ dàng hơn, đồng thời tạo khả năng thoái vốn cho các nhà đầu tư.

Thứ năm, phát huy tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo từ trong trường Đại học. Các chương trình học tập và giảng dạy cho học sinh, sinh viên cần phải được tích hợp những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp kết hợp với tinh thần doanh nhân ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường. Việt Nam cần có nhiều các tổ chức, cuộc thi dành cho các học sinh, sinh viên (đặc biệt là các sinh viên đại học) hướng tới tinh thần khởi nghiệp. Từ đó giúp các học sinh, sinh viên hình thành, xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh của mình cũng như các cách phát triển ý tưởng phù hợp, đúng đắn và điều này cũng giúp các bạn cảm thấy gần gũi, có sự liên kết với môi trường khởi nghiệp, thế giới doanh nhân và startup sau này. Thứ sáu, Việt Nam cần chú trọng đến vai trò của tư nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Rõ ràng, khu vực kinh tế tư nhân và các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn đóng vai trò chủ chốt trong quá trình ươm tạo, đầu tư cho các startup mới thành lập. Hoạt động của các công ty khởi nghiệp luôn được thúc đẩy, hỗ trợ bởi sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư dồi dào từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nguồn gây quỹ cộng đồng, các nhóm nhà đầu tư thiên thàn, các doanh nghiệp từ khu vực kinh tế tư nhân dành cho những startup mới thành lập. Tương tự, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cũng cần được nâng cao để làm cầu nối giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Chính phủ nên cho phép cộng đồng doanh nghiệp được giám sát, đánh giá và phản biện các chính sách, hoạt động của các cơ quan chính quyền liên quan đến quá trình xây dựng hệ sinh thái để làm cơ sở cải thiện chất lượng dịch vụ. Đồng thời, tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp và các đoàn luật sư, liên đoàn luật sư để hỗ trợ pháp lý trong các tình huống cụ thể. Từ đó cũng cần phải tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng các buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyên đề pháp lý và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật.

Hội thảo đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0;

Nguồn: Tổng hợp từ hội thảo đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 của Trường Đại học ngoại thương Hà Nội (người tổng hợp kỷ yếu Đỗ Văn Xuân_Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế)