17 Tháng Sáu, 2021 | 15:22
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CHO CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY VIỆT NAM THAM GIA SÂU HƠN VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU NGÀNH DỆT MAY TRONG BỐI CẢNH CUỘC CMCN 4.0

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của hai tác giả PGS, TS Trần Sĩ Lâm, Bộ môn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trường Đại học ngoại thương và Ths Bùi Thị Tuyết Nhung, UBND tỉnh Quảng Ninh cung cấp tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”  . Hiện mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt may của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia. Nhiều năm qua, ngành dệt may nước ta luôn nằm trong số các ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng chỉ tham gia nhiều nhất là các công đoạn cắt và may (tức là gia công), chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính. Theo thống kê của VITAS, tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT vẫn chiếm chủ yếu (khoảng 85%), xuất khẩu theo phương thức FOB chỉ khoảng 13% và chỉ 2% xuất khẩu theo phương thức ODM. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng theo FOB cũng chỉ chủ yếu ở mức FOB nên giá trị gia tăng của ngành còn thấp. Tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm may mặc theo phương thức FOB, ODM, OBM vẫn thấp do ngành dệt may của Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu, khả năng quản lý, huy động vốn nên vẫn chưa khai thác hết các lợi thế để thu lợi nhuận tối đa ở khâu này. Cụ thể, tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT vẫn chiếm khoảng 70%, theo phương thức FOB khoảng 20%, 9% theo phương thức ODM, 1% theo phương thức OBM.

Đặc biệt, ngành may mặc Việt Nam đang rất yếu ở mảng thiết kế sản phẩm vì thiếu các nhà thiết kế giỏi, khó tiếp cận và thiếu thông tin về nhu cầu khách hàng, xa thị trường tiêu dùng cuối cùng. Nếu so sánh mắt xích sản xuất ngành dệt may Việt Nam so với thế giới, có thể thấy trong khi mắt xích sản xuất của ngành dệt may Việt Nam đang ở mức may gia công là chủ yếu thì các nhà sản xuất trên thế giới đang cạnh tranh bằng cách dịch chuyển lên phương thức sản xuất ODM hay OBM nhằm đáp ứng những thay đổi quan trọng trên thị trường.

 

 

Trần Sỹ Lâm

PGS-TS Trần Sĩ Lâm, Bộ môn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trường Đại học ngoại thương ( ảnh FTU)

Thực tế cho thấy ngành dệt may tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhưng vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm gần 50%). Điều này ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may trong nước nếu thị trường này có những biến động bất lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dường như vẫn chỉ biết làm phần của mình, chưa chú ý nhìn ra xung quanh xem các đồng nghiệp, thậm chí là đối thủ của mình làm như thế nào. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn ngại hợp tác, thậm chí là không biết hợp tác với nhau để trở thành bạn hàng của nhau, hợp tác để tạo thành chuỗi, cùng tìm một chiến lược phát triển dài hạn, bền vững. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực khắc phục tình trạng tồn kho sản phẩm bằng nhiều cách, như tiết giảm sản xuất, tiết giảm chi phí, tăng cường công tác bán hàng… Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính tình thế, muốn giải quyết được tận gốc đòi hỏi ở một tầm cao hơn sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với những giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; triển khai sớm chương trình bình ổn giá, tìm nguồn vốn lãi suất hợp lý, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp… Giải quyết nhanh hàng tồn kho, không trữ nhiều nguyên liệu và tìm cách tăng năng lực phân phối để quay nhanh đồng vốn, tránh áp lực lãi vay và các chi phí tăng cao là những giải pháp đang được các nhà sản xuất triển khai trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. Trong số các ngành công nghiệp nhẹ, ngành dệt may Việt Nam có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn. Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2017 ước khoảng 30 tỷ USD; trong đó, chi phí logistics chiếm 9,1%, khoảng 2,7 tỷ USD. Hoạt động logistics đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh trạnh của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí như: giảm thời gian lưu thông hàng hóa tăng độ tin cậy và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động phân phối của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các nhà buôn nước ngoài. Mạng lưới các nhà mua này bao gồm: các doanh nghiệp bán lẻ, các nhà sản xuất, và các nhà buôn. Những doanh nghiệp bán lẻ, đa số thuộc thị trường EU, Nhật và Mỹ, họ sở hữu những thương hiệu hàng đầu quốc tế, những siêu thị, cửa hàng bán sỉ và bán lẻ. Các doanh nghiệp bán lẻ lớn tin cậy vào các nhà buôn (chủ yếu từ Hồng Kông) để phát triển mạng lưới cung ứng của họ ở Việt Nam nhằm giảm chi phí giao dịch. Các doanh nghiệp đầu tư may mặc nước ngoài hiếm khi liên hệ trực tiếp với các khách hàng quốc tế ở Việt Nam, vì nhà cung ứng của họ thường có văn phòng đại diện đặt ở Hồng Kông, Đài Loan hay Hàn Quốc. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ) phụ thuộc rất lớn vào các nhà buôn nhỏ trong khu vực. Nói cách khác, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn rất thiếu liên kết với những người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng mà chỉ thực hiện các hợp đồng gia công lại cho các nhà sản xuất khu vực. Hoạt động marketing và phân phối đang là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam. Điều này chủ yếu do chúng ta thực hiện các đơn hàng gia công ở mức CMT và FOB cấp I nên Việt Nam ít có các sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình để tiếp cận với các nhà bán lẻ trên toàn cầu.

 

hội thảo KDQT

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (ảnh VISTIP)

Khảo sát ngành cho thấy hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2000; hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; hệ thống trách nhiệm xã hội SA8000, quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025… Gần đây, nhiều doanh nghiệp thành công trong áp dụng tích hợp 3 hệ thống: ISO 9001-2000, ISO 14000, SA 8000, như: May Đức Giang, Hưng Yên, Thắng Lợi…Việc áp dụng hệ thống quản lý đã giúp doan nghiệp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đối với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và phương pháp thử, phần lớn doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sử dụng tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng. Đó là các tiêu chuẩn quốc tế đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới: Tiêu chuẩn châu Âu (EN); tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM và AATCC); tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS)… Việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn trên đã giúp cho công tác quản lý chất lượng tại các đơn vị đi vào nền nếp, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm (Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, 2017).

Giá thành sản xuất đang là điểm yếu của doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam. Điều này không chỉ đến từ nguyên nhân khách quan mà còn xuất phát từ nội tại sản xuất của ngành. Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn năng lượng, hiện 50% thiết bị ngành dệt – nhuộm có từ trước năm 1996. Theo đại diện Vitas, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới rất gần, việc ứng dụng công nghệ tự động, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, nhận thức của DN còn rất sơ sài, thậm chí phó mặc cho các nhà sản xuất thiết bị và chưa tính đến tiết kiệm năng lượng trong khả năng giảm chi phí

Các nhà sản xuất ngành dệt may như Vinatex đưa ra các thông tin về sản phẩm, về chính sách giá cả, về hoạt động khuyến mãi, khen thưởng cho các Đại lý và các tổ chức bán lẻ, chiết khấu giảm giá, các thông tin về thời gian giao hàng địa điểm số lượng và chủng loại mặt hàng, hoạt động cạnh tranh,… tới các đại lý và các đại lý đưa các thông tin đó tới các tổ chức cấp dưới của mình và tới người tiêu dùng. Chiều ngược lại, người tiêu dùng đưa các thông tin về nhu cầu, về sự biến đổi của xu hướng tiêu dùng, về giá cả, về đối thủ cạch tranh, về dịch vụ nhận được,… tới các tổ chức bán lẻ hoặc đưa trực tiếp tới đại lý, các tổ chức bán lẻ sẽ thu nhận thông tin và chuyển tới các đại lý các đại lý sẽ tiếp nhận thông tin và chuyển các thông tin nay tới nhà sản xuất. Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dòng thông tin và dòng tài chính, công ty May Hai là một trong những doanh nghiệp dệt may đầu tiên áp dụng giải pháp ERP, tích hợp đồng bộ tất cả các phần mềm như quản lý nghiệp vụ như kế toán, nhân sự, lương, lập kế hoạch sản xuất… vào trong một hệ thống duy nhất và có sự liên kết với nhau. Nhờ có hệ thống này mà lãnh đạo Công ty và đội ngũ cán bộ quản lý có thể kiểm soát xuyên suốt quy trình lao động sản xuất kinh doanh của công ty cũng như xử lý các tình huống phát sinh mà không mất nhiều thời gian và công sức.

Ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn và trung hạn do chuyển dịch công đoạn sản xuất hàng may mặc từ Trung Quốc tới các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn và tác động của các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ lao động khéo léo và thời gian sản xuất tương đối ngắn khi so với Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ tồn tại trong ngắn hạn do lao động tại các quốc gia lân cận như Campuchia và Myanmar đang dần có tay nghề cao lên, có khả năng sản xuất các sản phẩm hàng may mặc phức tạp hơn. Tại Campuchia và Myanmar, các nhà dự án FDI từ Trung Quốc được mở với quy mô lớn, máy móc thiết bị chuyển từ Trung Quốc nên giá thành rẻ và chịu quản lý trực tiếp từ Trung Quốc nên năng lực quản lý được cải thiện đáng kể. Khả năng tiếng Anh của các lao động Myanmar cũng tốt nên về dài hạn, các quốc gia này hoàn toàn có khả năng tăng trưởng vượt trội trong lĩnh vực dệt may và thay thế được Việt Nam trong việc xử lý các đơn hàng nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục sản xuất ở khâu đơn giản, dễ bị thay thế. Trong dài hạn, các doanh nghiệp trong ngành dệt may nên tập trung vào các loại hình tham gia chuỗi cung ứng khác như FOB, OBM,, ODM. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này và phải chấp nhận trong giai đoạn này, tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới sẽ diễn ra nhanh hơn trước kia. Nếu trước đây trung bình 05 năm ngành may mới có một loạt công nghệ mới, có khoảng cách về năng suất, chất lượng so với công nghệ cũ; ngành sợi khoảng 10 năm; ngành dệt nhuộm khoảng 15 năm; thì với Cách mạng Công nghiệp 4.0, khoảng thời gian sẽ ngắn lại. Các đời công nghệ mới sẽ liên tục xuất hiện với ứng dụng của xử lý công nghệ thông tin qua dữ liệu lớn (big data), Internet và robot hóa trong các bước của quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh trên thị trường do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.

Cơ hội và thách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành dệt may của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Cơ hội

Thứ nhất, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện tiếp thu và ứng dụngnhững tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu của nền sản xuất xã hội trong đó có ngành dệt may. Thứ hai, cơ hội phát triển nhanh hơn thông qua mở rộng ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển, công nghệ sinh học (thuộc các lĩnh vực như công nghiệp không gian, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp giải trí, công nghiệp sinh học, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…) nhằm đảm bảo các điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành dệt may.

Thứ ba, cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và trên thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý) từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thứ tư, lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mạng xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây (SMAC) đang là xu hướng mới mẻ của cả thế giới và Việt Nam có cơ hội phát triển lĩnh vực này, phục vụ cho việc trao đổi dữ liệu trong chuỗi cung ứng ngành dệt may.

Thách thức

Thứ nhất, thách thức trong lĩnh vực giải quyết việc làm. Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa, các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Đây là một trong những thách thức lớn nhất, bởi chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu GDP. Ngành dệt may Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ.

Thứ hai, các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư, tinh giản thủ tục hành chính để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

Thứ ba, thị trường trong nước có nguy cơ chịu kiểm soát từ nước ngoài. Ngành dệt may Việt Nam mang đặc điểm vừa thừa vừa thiếu ở từng mắt xích. Về sản xuất hàng may mặc, thị trường trong nước đang được bỏ ngỏ. Về vải, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu 65 – 70% nhu cầu tiêu thụ. Các hiệp định thương mại tự do sẽ là một động lực khiến hàng ngoại xâm nhập vào thị trường nội địa không cần qua con đường tiểu ngạch.

Thứ tư, cạnh tranh về chi phí sản xuất. Với xu hướng tăng giá nhân công tại Việt Nam do thường xuyên điều chỉnh tăng lương tối thiểu và thay đổi về bảo hiểm xã hội, sản xuất hàng may mặc sẽ phải đối mặt với việc các hãng thời trang và các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng sang các quốc gia lân cận với chi phí lao động thấp hơn.

Trên cơ sở các phân tích PGS-TS Trần Sĩ Lâm và cộng sự đưa ra một số giải pháp đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành dệt may trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau:

Các doanh nghiệp Việt Nam cần có nhận thức đúng, tìm hiểu kỹ về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp với giá cả hợp lý. Công nghiệp 4.0 là công cụ giúp hiện thực hóa những nhu cầu của con người một cách hiệu quả nhất và cũng chỉ ở những công đoạn nhất định.Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất để có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên thành lập một phòng ban chuyên trách về công nghệ. Phòng ban này có trách nhiệm cập nhật các thông tin mới cũng như đưa ra được các chính sách, biện pháp kịp thời để duy trì và phát huy các nguồn lực nhằm tận dụng được những ưu việt của công nghệ. Ngoài ra, phòng ban cần tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về các công nghệ mới cũng như các cập nhật công nghệ cho các phòng ban khác trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đầu tư hệ thống quản lý dữ liệu hồ sơ hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ, kiểm tra và kiểm soát công nghệ. Hệ thống này phải đảm bảo thực hiện được các nguyên tắc sau: Nguyên tắc ghi nhận và theo dõi, nguyên tắc kiểm soát, nguyên tắc thống nhất, nguyên tắc dễ tiếp cận, nguyên tắc thuận lợi, nguyên tắc bí mật và nguyên tắc về độ tin cậy.

Về yếu tố con người, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam cần cử các nhân viên đi đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật công nghệ chất lượng cao. Ngay từ giai đoạn tuyển chọn nhân viên, các doanh nghiệp nên ưu tiên các nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ về kỹ thuật công nghệ chất lượng cao. Các doanh nghiệp, cần tăng cường mối quan hệ với các cơ sở đào tạo để thu hút được nhân lực có chất lượng cao, đồng thời đặt ra những yêu cầu cụ thể trong công việc để bổ sung vào chương trình đào tạo, phối hợp với các bên để tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao tay nghề chuyên môn cho người lao động. Doanh nghiệp cần lưu ý đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà thiết kế sản phẩm giỏi và sáng tạo. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng một chính sách quản trị nhân lực, sử dụng lao động, khai thác tài năng, kinh nghiệm và chất xám của họ một cách đúng đắn và hợp lý theo hướng chăm lo tốt hơn về thu nhập, đời sống vật chất, ổn định tư tưởng và tinh thần của người lao động. Thực sự chăm lo cho quyền lợi chính đáng của nguồn nhân lực, nuôi dưỡng và đào tạo nhân lực lâu dài mới là chiến lược sản xuất kinh doanh đúng đắn và tiến bộ.

Các doanh nghiệp dệt may cần giám sát và đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư, thực hành tiết kiệm, đầu tư trọng tâm trọng đỉểm đúng chuyên ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này sắp xếp lại tổ chức hoạt động của công ty Tài chính Dệt may, sử dụng công ty Tài chính Dệt may thực hiện việc tập trung nguồn tiền nhàn rỗi từ Tập đoàn lớn và các công ty con, thực thi cơ chế tín dụng trong nội bộ tập đoàn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi của Tập đoàn lớn. Thêm vào đó, cần cơ cấu lại toàn bộ tài sản và nguồn vốn để xác định mức độ hợp lý của đòn cân nợ, làm cơ sở tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu. Cuối cùng, cấu trúc lại mô hình tổ chức công tác tài chính kế toán, trẻ hoá đội ngũ cán bộ quản lý.

Quan trọng không kém đó là đa dạng hoá các kênh huy động vốn từ bên ngoài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh việc huy động qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng, huy động vốn thông qua thuê tài chính, huy động vốn thông qua hình thức tài trợ dự án, huy động vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài, huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chủ động tìm hiểu mức ưu đãi của từng FTA mang lại, đồng thời đối chiếu với khả năng đáp ứng điều kiện về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp mình để lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp. Thêm vào đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và khả năng cung ứng nguyên vật liệu mới có thể đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường thế giới đặt ra và có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.

Ở góc độ doanh nghiệp, việc tận dụng ưu đãi từ FTA mà Việt Nam tham gia phụ thuộc nhiều vào quá trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, để tận dụng được lợi thế và áp dụng hiệu quả các FTA vào việc xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần được tập huấn các kiến thức liên quan đến yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như thủ tục xin giấy chứng nhận xuất xứ tránh trường hợp doanh nghiệp phải chịu thuế chỉ vi sai sót kỹ thuật không đáng có.

Nguồn: Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế tổng hợp từ Hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0