Ngày 25/08, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ Trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro đã ký kết Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển.
Hàng năm có tới 11 triệu tấn nhựa bị đổ vào đại dương, con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và gần gấp ba lần vào năm 2040. Nhựa đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn biển, từ động vật phù du cho đến con người là đối tượng tiêu thụ cuối cùng. Nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm thấy nhựa trong não và nhau thai người.
Lễ ký kết Ý định thư hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý rác thải biển – Ảnh: Khương Trung
Hợp tác trong lĩnh vực này, hai bên ghi nhận đã tổ chức được một số hoạt động có ý nghĩa bao gồm chương trình đạo tạo về nghiên cứu về rác thải nhựa biển và vi nhựa; tiến hành khảo sát, thu mẫu, phân tích rác thải nhựa biển tại một số địa phương. Bộ Trưởng Bộ Môi trường Nhật bản khẳng định vấn đề rác nhựa đại dương là vấn đề lớn cần được quan tâm. Nhật Bản đã rất nỗ lực giải quyết vấn đề này bao gồm phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng đối với rác nhựa bao gồm rác nhựa đại dương. Đồng quan điểm với Ngài Bộ trưởng Nishimura Akihiro, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng cần quan trắc lượng rác thải ra và trôi nổi ngoài biển, có biện pháp phân loại, thu gom và xử lý rác nhựa. Hai bên có thể xem xét hỗ trợ ngư dân chuyển đổi công cụ, vật dụng bằng nhựa sang các vật dụng thân thiện và bền vững hơn. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá vấn đề rác nhựa đại dương không chỉ ở cấp quốc gia mà còn là cấp khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH), triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Ảnh hưởng rõ rệt nhất của BĐKH của Việt Nam là sạt lở ở miền núi phía Bắc, biến động địa chất ở Tây Nguyên hay sạt lở sông, biển ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Nishimura Akihiro tiếp tục quan tâm chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường tín chỉ carbon, giúp Việt Nam nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Bộ trưởng Nhật Bản lưu ý để thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, các nước cần thực thi Điều 6 của Thỏa thuận Paris về BĐKH cũng như tăng cường phát triển thị trường carbon toàn cầu. Bộ Trưởng Đặng Quốc Khánh Bộ trưởng cho rằng, việc tham gia Đối tác thực hiện ĐIều 6 này sẽ giúp Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Việt Nam, xác định nhu cầu về hỗ trợ, xây dựng các quy trình và thủ tục cần thiết và tạo nền tảng cho nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris.
Toàn cảnh hội nghị tham gia ký kết Ý định thư hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý rác thải biển – Ảnh: Khương Trung
Hoạt động trong Ý định thư được ký kết bao gồm:
1. Cùng hợp tác triển khai các dự án thí điểm/nghiên cứu về rác thải biển tại Việt Nam;
2. Tổ chức các khóa đào tạo/hội thảo cho các thành viên của Việt Nam để tăng cường năng lực về quản lý rác thải biển bao gồm quan trắc và xử lý;
3. Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa Nhật Bản và Việt Nam để xây dựng sổ tay và/hoặc sách hướng dẫn liên quan đến quản lý rác thải biển;
4. Hợp tác trong các diễn đàn đa phương về vấn đề rác thải nhựa bao gồm Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC) của Nghị quyết 5/14 của UNEA với chủ đề “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế”;
5. Chia sẻ dữ liệu quan trắc rác thải biển bao gồm cả vi nhựa được thu thập và/hoặc đã được công bố bao gồm cả dữ liệu chi tiết;
6. Các lĩnh vực hợp tác khác liên quan và có sự quan tâm và thống nhất của mỗi bênv
Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hội nhập Khoa học và Công nghệ Quốc tế(VISTIP)
Liên kết nguồn tin tại cổng thông tin của cục biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường : https://vasi.gov.vn/pages/tang-cuong-hop-tac-giua-viet-nam-va-nhat-ban-trong-9b89.aspx
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web