17 Tháng Bảy, 2018 | 11:04
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Bước đột phá giúp Việt Nam đặt nền tảng cho CMCN 4.0

 Khoa học, công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao phải thực sự trở thành ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Sáng 13/7, tại Hà Nội Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)”.

Bước đột phá giúp Việt Nam đặt nền tảng cho CMCN 4.0
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trình bày tham luận về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 Ảnh: Trọng Đạt.

Trong báo cáo tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh đã khẳng định: “CMCN 4.0 là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn được cách tiếp cận của mình”.

“Dù từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính – ngân hàng, logistic thông minh… Cuộc cách mạng này giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ. Đó là việc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh. Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quản trị công quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…

Nền tảng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam

Nhìn lại thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của CMCN 4.0. Trong 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh.

Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người. Đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển liên tục và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.

Bước đột phá giúp Việt Nam đặt nền tảng cho CMCN 4.0
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan và trải nghiệm cánh tay robot điều khiển bằng cử chỉ tại gian hàng của tập đoàn FPT. Ảnh: Trọng Đạt.

Theo báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về Các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm Sơ khởi nhưng khá gần với nhóm Tiềm năng cao.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), luôn duy trì được sự tăng trưởng và đạt mức 55 trên 137 quốc gia vào năm 2017. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) liên tục tăng. Năm 2017, GII tăng 12 bậc so với năm 2016.

Theo thông tin mới nhất do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2018, chỉ số GII của Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2017, đứng ở vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được đến thời điểm hiện tại.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học & Công nghệ được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hóa các nội dung và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ của CMCN 4.0, làm cơ sở nhân rộng các kết quả ra khối doanh nghiệp, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về CMCN 4.0”.

Để chủ động ứng phó với các tác động của CMCN 4.0, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khoa học, công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao phải thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Theo: Trọng Đạt (Vietnamnet)