Sáng ngày 16/9/2019, tại trụ sở 2 Bộ Khoa học và Công nghệ (39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội hập Khoa học và công nghệ quốc tế (VISTIP) đã tiếp đón đoàn công tác của Trung tâm Giao lưu Khoa học công nghệ Trung Quốc (CSTEC) do Tiến sỹ Triệu Tân Lực– Phó Giám đốc kiêm Nghiên cứu viên trưởng làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc.
Toàn cảnh buổi đón tiếp đoàn CSTEC Trung Quốc- Ảnh: VISTIP
Đón tiếp và làm việc với đoàn CSTEC có Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ chủ chốt của VISTIP. Sau khi lắng nghe đại diện của VISTIP giới thiệu về Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, thay mặt cho CSTEC, ông Triệu Tân Lực đã trình bày các thông tin về Trung tâm Giao lưu khoa học-công nghệ Trung quốc. CSTEC là một Trung tâm trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc được thành lập từ 1982 có vị thế, chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (VISTIP) của Việt Nam. Ngoài chức năng giúp Bộ trưởng khoa học và công nghệ Trung Quốc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ của Trung Quốc trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, CSTEC còn được giao thêm nhiều trọng trách quan trọng khác như quản lý các chương trình/dự án khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài liên quan đến hoạt động nghiên cứu, triển khai và đào tạo…; quản lý các văn phòng đại diện khoa học và công nghệ tại nước ngoài; chương trình trao đổi chuyên gia; chương trình thu hút nhân tài khoa học toàn cầu hay hướng dẫn triển khai Luật phổ cập khoa học (science popularization law)…Nhân lực hiện nay của CSTEC là hơn 100 người trong đó có 20 người là đại diện các văn phòng KH&CN tại nước ngoài. Là một tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận nên từ khi thành lập (hơn 37 năm cho đến nay), toàn bộ kinh phí hoạt động của CSTEC đều do ngân sách nhà nước đảm bảo với con số tương đương hơn một tỷ đô la Mỹ mỗi năm và không có nguồn thu nào khác. Gần đây có một số ý kiến đề nghị CSTEC tăng nguồn thu để tăng thu nhập cho cán bộ thông qua các dịch vụ có thu. Tuy nhiên, các ý kiến này không được ủng hộ với lý do vì lợi nhuận có thể làm CSTEC đi “chệch” định hướng quản lý KH&CN cũng như phát triển hoạt động hội nhập của đất nước…. Khác với CSTEC Trungương/quốcgia, các CSTEC địa phương (do chính phủ địa phương thành lập) chỉ được cấp khoảng 30% kinh phí hoạt động từ ngân sách còn 70% từ hoạt động dịch vụ có thu. Tầm quan trọng của việc đầu tư, đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ của Trung Quốc thông qua vai trò của CSTEC đã được minh chứng rất rõ ràng thông qua những thành tựu khoa học công nghệ phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua!
Đại diện VISTIP & CSTEC cùng thảo luận cơ hội hợp tác-Ảnh:VISTIP
Do tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và vị thế pháp lý giữa CSTEC và VISTIP, hai bên nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa hai đơn vị là rất lớn. Tuy nhiên, so với CSTEC đã có trên 37 năm thành lập và hoạt động, VISTIP còn rất non trẻ do mới thành lập (năm 2011), VISTIP rất mong muốn thúc đẩy hợp tác với CSTEC trong thời gian tới. Trước hết VISTIP mong muốn được học hỏi mô hình tổ chức, hoạt động của CSTEC thông qua một vài dự án như hỗ trợ tăng cường năng lực từ phía CSTEC, hoặc cùng nhau tổ chức một số sự kiện liên quan đến chuyển giao/thương mại hoá công nghệ hay như tăng cường trao đổi đoàn các cấp….Đại diện CSTEC cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của VISTIP đã dành cho đoàn và đánh giá cao thiện chí cũng như những gợi ý về cơ hội hợp tác giữa VISTIP và CSTEC mà VISTIP đã đề xuất. Trưởng đoàn Triệu Tân Lực cho biết sẽ báo cáo lại với Lãnh đạo CSTEC khi về nước và đề xuất, trước hết hai bên có thể khởi động xây dựng bản Ghi nhớ hợp tác (MOU) để có thể ký nhân dịp Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ lần thứ 11 về hợp tác KH-CN giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong năm 2020.
Đoàn CSTEC chụp ảnh chung với Lãnh đạo VISTIP-Ảnh: VISTIP
Hy vọng những đóng góp của CSTEC trong sự phát triển “thần kỳ” của khoa học và công nghệ Trung Quốc thông qua con đường hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ sẽ là bài học có giá trị cho VISTIP nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới./.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web