10 Tháng Mười Hai, 2019 | 13:21
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Hội thảo khoa học” Chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác về khoa học và công nghệ với Hoa Kỳ”.

Thực hiện Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “ Đánh giá và đề xuất hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam”  được Bộ Khoa học và Công nghệ giao,  ngày  06 tháng 12 năm 2019 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế(VISTIP) đã tổ chức hội thảo khoa học” Chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác về khoa học và công nghệ với Hoa Kỳ”. 

Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…..

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội thảo, thay mặt Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế, bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh, vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm trên thế giới, bởi nó giúp cho các quốc gia có thể chia sẻ chi phí và rủi ro mà những thách thức toàn cầu mang lại. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ có thể giúp các quốc gia chia sẻ chi phí các máy móc thiết bị khoa học, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thúc đẩy kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật vượt qua khỏi ranh giới các quốc gia. Ngoài ra, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ cũng duy trì các mục tiêu và động lực nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của các kiến thức khoa học và các thành tựu công nghệ. Bởi vậy, việc nghiên cứu vấn đề hội nhập quốc tế về KH&CN, cụ thể là chính sách và kinh nghiệm của một số quốc gia là rất cần thiết và hữu ích đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong tiến trình phát triển hội nhập KH&CN nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Hoa Kỳ là một cường quốc kinh tế và cũng là một trong những quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển nhất thế giới, do đó việc nắm bắt được cơ hội hợp tác KH&CN với Hoa Kỳ sẽ đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.

 

Bùi Thị Huy Hợp

Bà Bùi Thị Huy Hợp – Phó Giám đốc VISTIP, phát biểu khai mạc hội thảo (ảnh: VISTIP)

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo bà Vũ Thị Tú Quyên- quyền Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam và Hoa Kỳ càng ngày càng phát triển, theo đó Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký những văn kiện công nhận lẫn nhau về  sự phù hợp khi đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa với một số ngành hàng nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa  của hai nước. Đó là những tín hiệu tốt cho việc giao thương giữa hai nước ngày càng phát triển, khung hợp tác sẽ mở rộng và tạo đà cho việc công nhận lẫn nhau đối với những cơ quan đánh giá, giám định chất lượng ở những ngành lĩnh vực cụ thể của hai quốc gia. Bà Vũ Thị Tú Quyên cũng chia sẻ tại hội thảo những thành công, bài học kinh nghiệm khi hợp tác KH&CN với Hoa Kỳ.

 

 Vũ Thị Tú Quyên

Bà Vũ Thị Tú Quyên- quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo (ảnh: VISTIP)

Hội thảo cũng được chứng kiến bài phát biểu của PGS-TS Trần Ngọc Ca đến từ Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ một số mô hình tổ chức, chức năng của các cơ quan hợp tác quốc tế về KH&CN của Hoa Kỳ. Ngoài hợp tác thông thường giữa các cơ quan, Viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức KH&CN theo cách trực tiếp các cơ quan, doanh nghiệp với nhau, hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn thông qua các chương trình hợp tác liên Chính phủ ( các JCM). Tại buổi hội thảo PGS-TS Trần Ngọc Ca cũng cung cấp thông tin liên quan đến các JCM; một số kinh nghiệm kêu gọi tài trợ các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, việc nắm bắt thời cơ thương mại hóa kết quả nghiên cứu , chuyển giao công nghệ giữa hai nước, việc hỗ trợ phát triển hoạt động R&D từ Hoa Kỳ; việc hình thành các mạng lưới (network) và vai trò cá nhân trong việc tạo dựng, duy trì, gắn kết đối tác hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có hiệu quả dựa trên nguyên tắc win-win (hợp tác đôi bên cùng có lợi).

TS Trần Ngọc Ca

PGS-TS Trần Ngọc Ca, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo (ảnh VISTIP)

Đến từ Viện công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ths Nguyễn Thế Hoàng Anh chia sẻ với hội thảo một số thông tin về định hướng hợp tác khoa học và công nghệ với Hoa Kỳ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (I4.0); hội thảo cũng được nghe Ths Hoàng Anh chia sẻ một số thông tin về thế mạnh KH&CN của Hoa Kỳ trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bài học thành công của Đài Loan và một số tổ chức quốc tế khi hợp tác khoa học và công nghệ với Hoa Kỳ, đây cũng là những kinh nghiệm cần được nghiên cứu áp dụng một cách phù hợp đối với Việt Nam khi tiếp xúc và hợp tác với các Quỹ, cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp của Hoa Kỳ trong việc tài trợ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ quốc tế.

Hoàng Anh

Ông Nguyễn Thế Hoàng Anh, Viện công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo (ảnh: VISTIP)

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong việc hợp tác KH&CN với Hoa Kỳ, đó là các thông tin rất có giá trị để từ đó Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập  KH&CN quốc tế tập hợp, chọn lọc, báo cáo đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cũng như hỗ trợ các Bộ, Ban ngành, địa phương và doanh nghiệp trong hợp tác KH&CN với Hoa Kỳ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế