Toàn cảnh tọa đàm
Tăng cường hợp tác giữa Úc và Việt Nam trong việc hỗ trợ chương trình nghị sự chuyển đổi Công nghiệp 4.0 của Việt Nam
Tham dự Tọa đàm về phía Úc có Nhóm đặc nhiệm về Công nghiệp 4.0 của Thủ tướng Úc; lãnh đạo một số công ty toàn cầu có trụ sở tại Úc; đại diện Lãnh đạo Đại học RMIT; và đại diện Đại sứ quán Úc tại Hà Nội. Về phía Việt Nam, có đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thủ trưởng các đơn vị chức năng; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công thương; đại diện khu vực hàn lâm và lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Mục đích Tọa đàm nhằm tăng cường hợp tác giữa Úc và Việt Nam trong việc hỗ trợ chương trình nghị sự chuyển đổi Công nghiệp 4.0 của Việt Nam thông qua: Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác của Úc với các đối tác Đức (quốc gia khởi nguồn của Công nghiệp 4.0); giới thiệu các phương pháp tiếp cận thực tiễn tốt nhất trong ứng phó với Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Úc; kết nối các bên liên quan chính (khu vực Chính phủ và các ngành công nghiệp, doanh nghiệp) trong Công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: “Để chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược có trình độ KH&CN tiên tiến. Việt Nam và Úc đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 3/2018, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực Công nghiệp 4.0 là rất lớn. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy các liên kết chiến lược giữa các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và viện, trường hai nước, thiết lập kênh đối thoại và hợp tác về tương lai của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam mà Tọa đàm này là sự kiện khởi đầu”.
Giáo sư Aleks Subic, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số – Đại học RMIT nhấn mạnh: “Tọa đàm chiến lược tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp cũng như các cơ quan Chính phủ Việt Nam và Úc. Chúng tôi kỳ vọng mang đến cho quan hệ hợp tác này những kinh nghiệm từ việc thiết lập và vận hành mạng lưới các Trung tâm Công nghiệp 4.0 tại Úc và các chương trình thí điểm về công nghệ kỹ thuật số, vốn đang góp phần chuyển đổi toàn diện các ngành sản xuất thông qua hợp tác ba bên giữa Chính phủ, doanh nghiệp và khu vực hàn lâm”.
Sẽ thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên để hai bên có thể trao đổi chuyên sâu
Chia sẻ kinh nghiệm tại Australia, các chuyên gia cho biết Chính phủ nước này mất nhiều năm hình thành các liên kết để thúc đẩy Công nghiệp 4.0. Trong đó nhấn mạnh việc giáo dục, đào tạo để có nguồn nhân lực trình độ cao, đủ năng lực để thực hiện các đề xuất, hình thành các mô hình thí điểm, từ đó nhân rộng, thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại các điểm cầu.
Các thành phần đến từ khu vực chính phủ, các ngành công nghiệp, doanh nghiệp… cùng tham gia chặt chẽ trong mối liên kết. Các chương trình đào tạo, mô hình phát triển được hình thành để phát huy toàn bộ tiềm năng của các thành phần lao động trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, tại tọa đàm, các đại biểu đề xuất hình thành mạng lưới gồm cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, chuyên gia, doanh nghiệp… thúc đẩy chính sách, giải pháp để tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng 4.0. Các ý kiến đề xuất các hình thức kết nối như: hình thành mạng lưới liên kết chính phủ – trường đại học – chuyên gia – doanh nghiệp… cũng như thành lập các phòng thí nghiệm, mô hình thí điểm để Việt Nam – Australia có thể chia sẻ, học tập kinh nghiệm phát triển công nghiệp 4.0. Đồng tình với các đề xuất trên, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, sẽ thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên để hai bên có thể trao đổi chuyên sâu các nội dung hợp tác. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đóng vai trò kết nối các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam – Australia phát triển các hợp tác trong lĩnh vực này./.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web