Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định hướng tới vai trò kết nối cộng đồng khoa học quốc tế, đưa kiến thức khoa học vào tham vấn chính sách phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Sự kiện khoa học tổ chức tại ICISE thu hút hàng ngàn nhà khoa học hàng đầu thế giới tham dự. Ảnh: Hồng Hà. Thành lập năm 2013, ICISE là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Quy Nhơn, với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác khoa học và giáo dục quốc tế. Đây là điểm gặp gỡ, giao lưu học thuật theo chuẩn quốc tế, góp phần kết nối các nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Mỗi năm, ICISE tổ chức hàng chục sự kiện khoa học, quy tụ hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực tham gia. Điều này giúp ICISE có được mạng lưới quan hệ rộng khắp với cộng đồng khoa học quốc tế. Bên cạnh tổ chức các hội nghị, ICISE cũng thực hiện các nghiên cứu khoa học thông qua Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành. Hiện Viện đang triển khai các dự án về Vật lý lý thuyết, Vật lý hạt cơ bản Neutrino, Vật lý thiên văn nhằm góp phần phát triển khoa học công nghệ. GS Trần Thanh Vân – đồng sáng lập, Giám đốc ICISE (phải) và Tổng thư ký IPU Martin Chungong ký kết thỏa thuận hợp tác tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 11/5. Ảnh: TTXVN/ICISE Tháng 5 vừa qua, ICISE ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhằm thúc đẩy ngoại giao khoa học. Theo đó, hai bên phối hợp tổ chức các hội nghị, nghiên cứu khoa học với mục tiêu xây dựng cầu nối giữa khoa học và chính sách, đưa kiến thức khoa học vào tham vấn chính sách. Dự án hợp tác chung đầu tiên đã được khởi động vào tháng 9, thu hút hơn 60 nhà khoa học và các nghị sỹ trẻ đến từ 18 quốc gia tham dự. Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc ICISE, IPU đánh giá cao tiềm năng của ICISE có thể trở thành trung tâm ngoại giao khoa học quốc tế. Với thế mạnh sẵn có là điểm đến hội tụ tri thức, trung tâm hoàn toàn có thể phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua khoa học, góp phần giải quyết các vấn đề đa phương. Ngoài kết nối cộng đồng khoa học quốc tế hợp tác, trao đổi nghiên cứu, trung tâm còn tạo cầu nối giữa cộng đồng khoa học với các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, ICISE thực hiện các nghiên cứu, dựa trên bằng chứng khoa học để đưa ra khuyến nghị cho vấn đề xã hội. “Một khi khoa học trở thành ngôn ngữ chung sẽ giúp cộng đồng khoa học các nước gắn kết chặt chẽ nhau hơn, từ đó thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế”, đại diện trung tâm bày tỏ. Hội thảo “Khoa học vì hòa bình” do IPU phối hợp ICISE tổ chức tại TP Quy Nhơn tháng 9/2023. Ảnh: Hồng Hà Cũng theo vị này, việc phát triển ICISE thành trung tâm ngoại giao khoa học giúp Việt Nam có cơ hội chứng tỏ năng lực, nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế, cũng như mang đến cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ. “ICISE hoàn toàn có đủ năng lực để đảm nhận vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực ngoại giao khoa học vốn vẫn còn khá mới mẻ này”, TS Trần Thanh Sơn cho hay. Tuy vậy theo ông Sơn, để thực hiện được sứ mệnh quan trọng này, ICISE cần sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế hoạt động cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị phát triển các hoạt động ngoại giao khoa học trong nước và quốc tế. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định cho biết, thời gian qua địa phương có những ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ICISE; tạo môi trường thuận lợi, cởi mở cho các nhà khoa học quốc tế đến làm việc. Về phần ICISE cần tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng các hội nghị, hoạt động ngoại giao khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các thỏa thuận lâu dài với các đối tác. Hồng Hà Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội Nhập KH&CN Quốc tế. Nguồn: Trang thông tin điện tử báo VNEXPRESS https://vnexpress.net/thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-qua-ngoai-giao-4685200.html?fbclid=IwAR0AiMr9IXcrnvtTMTUKjrBfpnjJhIuBUWbWWzHDkiLYD714FAkbKSAsjCc