22 Tháng Sáu, 2021 | 14:52
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO NGÀNH THUỶ SẢN VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Thị Việt Hoa, TS Hoàng Hương Giang; TS. Vũ Thị Minh Ngọc, ThS. Ngô Thanh Hiền, Đại học ngoại thương

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, ngành thuỷ sản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sản xuất, xuất khẩu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Đóng góp vào sự thành công của ngành chính là do chất lượng nguồn nhân lực của ngành, đặc biệt là nhóm nhân lực chất lượng cao. Với hơn 50 cơ sở đào tạo các chuyên ngành khai thác, chế biến và nuôi trồng thuỷ sản cùng với nhân lực của các viện nghiên cứu nông nghiệp đã làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tích cực, làm tăng năng suất của cả ngành trong những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, một số vấn đề về chất lượng lao động ngành thuỷ sản cần phải có giải pháp quyết liệt để giữ vững tốc độ tăng trưởng cũng như đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, năng suất lao động còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác, một số lao động có trình độ cao ở một số cơ sở nghiên cứu có xu hướng dịch chuyển sang những ngành nghề khác do điều kiện làm việc không thích hợp. Hoạt động đào tạo cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hiểu biết chính sách phát luật trong nước và quốc tế; chính sách liên quan tới việc làm, phúc lợi cho người lao động phải thích ứng với điều kiện biến động sẽ là

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với ngành thuỷ sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thông qua cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể:

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tác động tích cực tới năng suất tổng hợp. Nguồn nhân lực chất lượng cao ban đầu tạo ra thu nhập tốt hơn cho người lao động do trình độ học vấn và kinh nghiệm là yếu tố quyết định thu nhập của họ, nhưng sự thay đổi về chất lượng đội ngũ lao động lại tác động tới yếu tố năng suất tổng hợp (TFP). Mô hình tăng trưởng của Solow cũng cho thấy ba yếu tố tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của mỗi nước là vốn (K), lao động (L) và công nghệ (T). Trong đó, lao động được xem ở dạng vốn con người, yếu tố tri thức quyết định quá trình cũng như hiệu quả sản xuất (mô hình Solow mở rộng). Yếu tố công nghệ ngày càng đóng vai trò trung tâm của tăng trưởng kinh tế nhưng để đạt được mục tiêu đó thì trình độ học vấn của mỗi cá nhân có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ mới. Theo đó, mức vốn con người càng cao sẽ càng đẩy nhanh quy trình phổ biến công nghệ trong một nền kinh tế. Điều này cho phép các quốc gia có mặt bằng công nghệ thấp trên thế giới có thể bắt kịp nhanh hơn với những quốc gia đứng đầu. Như vậy, phát triển vốn con người hay nói cách khác là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có vai trò quyết định đối với các nước đang phát triển để có thể bắt kịp với sự phát triển của các nước công nghiệp hoá trong bối cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Đây sẽ là vấn đề mà các ngành kinh tế trong nước cần có sự đầu tư về con người một cách nghiêm túc, bài bản để tạo là nguồn nhân lực có chất lượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng trong những năm tới.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp ngành thuỷ sản trong nước tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đặc điểm sản xuất và chế biến của ngành rất đặc thù nên nhu cầu về lao động là vừa kết hợp giữa lao động có sức khoẻ, có kinh nghiệm (đặc biệt là trong khâu đánh bắt) vừa sử dụng nhân lực được đào tạo bài bản có thể tiếp cận được với công nghệ tiên tiến cũng như hiểu biết về pháp luật quốc tế. Theo tác giả, đội ngũ nhân lực chất lượng cao đối với ngành thuỷ sản Việt Nam trong thời gian tới được xác định sẽ gồm những nhóm: (1) các nhà quản lý, lập chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp; (2) lao động trực tiếp; (3) các nhà nghiên cứu, cán bộ khoa học. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội của cuộc cách mạng này thì người lao động trong ngành phải có kiến thức, kĩ năng trong sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường. Việc nâng cao chất lượng lao động hay nói cách khác là phát triển nhân lực chất lượng cao sẽ cho phép Việt Nam khai thác được các lợi ích do cuộc cách mạng 4.0 đem lại.

Cơ cấu sản lượng thuỷ sản thay đổi do trình độ sản xuất được cải thiện, điều hành chính sách đúng đắn và phát huy được vai trò của nhà khoa học Kể từ năm 1986, Việt Nam tiến hành chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngành thuỷ sản nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong các khâu sản xuất, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Việc chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản đang diễn ra ở nhiều vùng, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long dẫn tới sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Việt Hải Dương

Mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao 

Trong giai đoạn 1986 – 1995, ngành thuỷ sản có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Về cơ cấu sản lượng thuỷ sản có những bước chuyển dịch rất tích cực trong suốt thời gian vừa qua: tỉ lệ thuỷ sản khai thác giảm từ 71,4% năm 1986 xuống 69,3% năm 1995 và 46,45% năm 2019. Việc đưa tàu thuyền đi khai thác ở vùng khơi và xây dựng cơ sở hậu cần trên đảo tạo điều kiện cho ngành khai thác phát triển mạnh. Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có hơn 30.500 tàu đánh bắt xa bờ, riêng năm 2017 số tàu mới được đưa vào khai thác là hơn 640 chiếc. Tàu đánh bắt xa bờ đã được trang bị nhiều thiết bị thông tin liên lạc hiện đại cũng như thiết bị đông lạnh bảo quản thuỷ sản nhằm làm tăng thời gian đánh bắt và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, mặc dù chính phủ đã xây dựng và thực thi hàng loạt các biện pháp bảo vệ môi trường biển và bảo tồn sinh vật biển, cấp hạn ngạch số lượng tàu được đánh bắt xa bờ nhưng sản lượng đánh bắt tính đến cuối năm 2019 vẫn gấp gần 6 lần so với năm 1986.

Ngược lại, tỉ lệ thuỷ sản nuôi trồng tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 30,7% năm 1995 lên 53,55% năm 2020. Các cơ sở sản xuất trong nước đã từng bước chú trọng phát triển giống thuỷ sản, giảm sự phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên vốn nhiều rủi ro, manh mún và chất lượng thiếu ổn định. Trong thời gian vừa qua, nguồn nhân lực của các trung tâm nghiên cứu được liên tục bồi dưỡng ở cả trong và ngoài nước cùng với việc tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại từ nguồn vốn

ngân sách và vốn xã hội hoá đã phục vụ tốt cho phát triển giống thuỷ sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, 2018). Việc tự chủ từ nguồn giống tới hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản dẫn tới tăng trưởng sản lượng nước ta luôn ổn định và ở mức cao. Theo định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đến năm 2030 Việt Nam làm chủ nguồn giống thuỷ sản trong nước và vươn ra tầm quốc tế. Vai trò của các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý chính sách trong những năm vừa qua đã phát huy tích cực hướng tới mục tiêu tự chủ nguồn giống cũng như thay đổi cơ cấu sản lượng thuỷ sản đánh bắt, khai thác trong thời gian tới.

Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới xuất khẩu thuỷ sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 Đông Nam Á và số 2 châu Á, các sản phẩm thủy sản nước ta đã xuất khẩu tới hơn 170 nước trên thế giới. Nếu như năm 1986 xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chỉ đạt khoảng 100 triệu USD thì đến năm 2019 giá trị xuất khẩu của ngành này đã lên đến hơn 8,6 tỉ USD. Trong năm 2019, Hoa Kì, EU, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu về tiêu chuẩn kĩ thuật rất khắt khe như tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh trong thuỷ sản, tiêu chuẩn qui trình nuôi trồng, đánh bắt, tiêu chuẩn chế biến… Tuy nhiên, nhu cầu và khả năng chi trả của các thị trường này rất cao nên các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng cải thiện qui trình sản xuất, chế biến để đáp ứng những qui định kĩ thuật. Những thành tựu trong xuất khẩu thuỷ sản trong hơn 30 năm qua là kết quả của sự phát triển vượt bậc của các cơ sở chế biến trong nước. Trình độ sản xuất, chế biến và năng suất của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong suốt thời kì vừa qua. Số lượng cơ sở chế biến thuỷ sản tăng nhanh từ 250 nhà máy chế biến tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam năm 2000 lên 429 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu năm 2012 và trên 636 doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản công nghiệp cùng với hơn 3.300 cơ sở chế biến nhỏ lẻ trong năm 2018 (Tổng cục Thuỷ sản, 2018). Các doanh nghiệp xuất khẩu đều đạt chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm theo qui định quốc tế như GAP, Global GAP, FOS, ASC, HACCP…. Sản phẩm xuất khẩu đều đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dư lượng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc động vật chế biến, qui định về thức ăn chăn nuôi trong thuỷ sản… Năng suất lao động của các doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản đang hoạt động có kết quả kinh doanh trong thời gian vừa qua có sự cải thiện đáng kể, cụ thể: cả khu vực nông lâm thuỷ sản năm 2017 thu nhập bình quân/lao động đạt 5,3 triệu/tháng (tăng 3,9% so với năm trước), trong khi đó giai đoạn 2011-2015 thu nhập bình quân/lao động là 4,93 triệu. Tính riêng ngành thuỷ sản, tốc độ tăng thu nhập trong cả khai thác, sản xuất và chế biến tốc độ tăng thu nhập là 4,3%/năm trong giai đoạn 2013 – 2017, cao hơn hẳn so với tốc độ tăng trung bình chung của cả khu vực. Số lượng lao động làm việc trong ngành năm 2007 là khoảng 1,6 triệu người đến năm 2018 là khoảng 4,5 triệu người (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2015), giá trị sản xuất tương ứng trong hai năm này là 46.663 tỉ đồng và 228.140 tỉ đồng. Tính bình quân, giá trị sản xuất/lao động là 29,16 triệu năm 2007 và 50,7 triệu năm 2018. Hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp tăng liên tục trong suốt giai đoạn 2011 – 2017 (Tổng cục Thống kê, 2019), cụ thể: ở giai đoạn 2011 – 2015 là 4,7 lần, năm 2016 là 5,6 lần và năm 2017 là 7 lần. Tỉ trọng ngành thuỷ sản năm 2018 trong nhóm ngành nông lâm thuỷ sản tăng 2,5% so với năm 2012. Tất cả các chỉ số này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của ngành thuỷ sản có những tiến bộ vượt bậc trong suốt thời gian vừa qua.

Cũng theo nhóm nghiên cứu những thách thức đến từ các cam kết hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 đến chất lượng nguồn nhân lực ngành thuỷ sản Việc tham gia kí kết các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA giúp ngành thủy sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… Tuy nhiên, những lợi ích từ các thoả thuận tự do thương mại chỉ đạt được khi các nhà xuất khẩu nội địa phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kĩ thuật và môi trường rất ngặt nghèo như: Các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về vệ sinh gồm độ tươi, độ sạch, mức nhiễm vi sinh tối đa (bao gồm các vi sinh vật gây bệnh và các vi sinh vật chỉ thị), dự lượng hoá chất (kim loại nặng, kháng sinh và thuốc trừ sâu), chất độc, độc tố sinh học biển và ký sinh trùng. Nhà sản xuất có hàng thuỷ sản xuất khẩu sang EU phải tổ chức giám sát hoạt động sản xuất và chế biến của mình phù hợp với HACCP…Ngược lại, trong các thoả thuận tự do thương mại, Việt Nam cũng phải cam kết tiến hành mở cửa trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản. Do đó, các nước cũng có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam với mức thuế suất ưu đãi. Có thể nhận thấy giá trị nhập khẩu thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm 2019 giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp (bao gồm thuỷ sản như cua, tôm hùm…) từ Hoa Kì tăng hơn 60% so với cùng kì năm ngoái lên tới hơn 120 triệu USD. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kì có nhiều diễn biến bất thường thì Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ nông sản của Hoa Kì trong đó có cả thuỷ sản. Áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập tăng mạnh trong thời gian tới buộc ngành thuỷ sản phải có những thay đổi để thích nghi và cạnh tranh trên chính thị trường nội địa. Kĩ năng quản trị, chiến lược kinh doanh, mức độ lành nghề của công nhân cũng như điều hành chính sách sẽ là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của ngành thuỷ sản trong tương lai. Những tiêu chuẩn kĩ thuật nêu trên cùng với một loạt nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực môi trường, chế biến thực phẩm, thuỷ sản nông nghiệp ở các nước phát triển (kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) là những thách thức rất lớn đối với ngành thuỷ sản Việt Nam trong thời gian tới. Để thông tin, dữ liệu về quá trình sản xuất, chế biến thuỷ sản được thu thập đầy đủ hơn buộc các nhà sản xuất muốn cạnh tranh được phải thực hiện quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu nguyên vật liệu cho đến hình thành sản phẩm và chuyển đến tay người tiêu dùng. Và để làm tốt các công việc này đòi hỏi ngành thuỷ sản phải thay đổi cách tiếp cận từ thế bị động sang chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiệu quả của những thay đổi này sẽ phụ thuộc vào yếu tố con người chứ không phụ thuộc vào yếu tố công nghệ – nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở tất cả các cấp độ là đòi hỏi đặt ra đối với ngành thuỷ sản:

(1) Người quản lý lập chính sách phải am hiểu về môi trường quốc tế lẫn nội tại ngành để có những điều chỉnh giúp người sản xuất có thể thích nghi được với môi trường mới;

(2) Cấp quản trị trong doanh nghiệp và nhà sản xuất chủ động thực thi các cam kết hội nhập, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào tất cả các khâu từ khai thác, nuôi trồng, chế biến và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng;

(3) Công nhân cần tăng cường đầu tư cho kĩ năng để tiếp thu công nghệ mới trong sản xuất chế biến thuỷ sản

(4) Nhà khoa học trong ngành thuỷ sản tăng cường hợp tác với người sản xuất, đầu tư chuyên sâu vào nghiên cứu giống, công nghệ chế biến, công nghệ khai thác, nuôi trồng thuỷ sản cũng như công nghệ bảo quản thuỷ sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu to lớn của ngành thuỷ sản đã đạt được trong thời gian vừa qua, hiện nay nguồn nhân lực cho ngành có nhiều yếu kém về chất lượng và thiếu hụt về mặt số lượng. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực của ngành làm cơ sở để đào tạo của các trường và cơ quan quản lý còn rất hạn chế. Các chính sách xây dựng nhân lực cho ngành thuỷ sản đều chưa đưa ra được con số về nhu cầu nhân lực cụ thể cho từng loại hình khai thác, nuôi trồng và chế biến. Một số vấn đề cụ thể như sau:

– Thứ nhất, nhóm lao động trực tiếp, bao gồm:

 (1) lao động khai thác thuỷ sản: đào tạo nhóm lao động này hiện nay vẫn chủ yếu theo hình thức cha truyền con nối, việc kế tục nghề nghiệp của đa số ngư dân coi như mặc định. Hơn nữa, quan hệ giữa chủ tàu và thuyền viên hầu hết không có ràng buộc hợp đồng về trách nhiệm, quyền lợi các bên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2015). Cách thức đào tạo truyền thống không còn phù hợp với cách thức khai thác xa bờ đòi hỏi bên cạnh kinh nghiệm cần có kiến thức chuyên sâu, khả năng sử dụng các thiết bị hiện đại. Với khoảng 90% ngư dân hiện nay không được đào tạo qua trường lớp, cách thức đánh bắt thủ công dẫn tới năng suất và hiệu quả chưa cao.

Trong bối cảnh ngành thuỷ sản đang tiến hành hiện đại hoá đội tàu thì nhân lực ngành này cũng phải được nâng cao để có thể khai thác hiệu quả trang thiết bị tiên tiến.

(2) Nhóm lao động chế biến thuỷ sản: Đặc điểm lao động chế biến thuỷ sản là lao động thời vụ, không qua đào tạo chiếm tỉ trọng trên 90%, mức độ biến động nhân lực rất cao và luôn khan hiếm lao động. Điển hình, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 900 cơ sở chế biến thuỷ sản luôn trọng tình trạng thiếu hụt lao động: lao động phổ thông đã thiếu, lao động có trình độ càng khó tìm. Nhu cầu lao động chế biến thuỷ sản của cả tỉnh năm 2019 là 9.000 người nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Do tính chất công việc của ngành là phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và khách hàng nên sản xuất nhiều khi không liên tục. Mặt khác, người lao động luôn làm việc trong điều kiện ẩm ướt và hôi tanh nên số đông chỉ coi đây là nghề tạm thời. Để bảo đảm sản xuất, doanh nghiệp phải tăng ca, tăng lương, cơ chế ưu đãi cho công nhân được cải thiện phúc lợi nhưng người lao động vẫn bỏ việc. Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thuỷ sản hiện tự đứng ra tổ chức các khoá huấn luyện ngắn hạn cho công nhân để bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn hàng xuất khẩu nhưng sau khi có tay nghề vững vàng một số lao động lại chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp khác. Tình trạng này dẫn tới doanh nghiệp thực sự cũng không mặn mà với việc nâng cao tay nghề cho người lao động do các thoả ước lao động không được tôn trọng. Chính yếu tố này dẫn tới chất lượng nhân lực chế biến thuỷ sản không được cải thiện nhiều, ảnh hưởng rất lớn năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành trên thị trường.

– Thứ hai, nhóm nhân lực đã được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng hướng tới làm việc ở các vị trí quản lý trong các cơ sở sản xuất, chế biến: Hiện cả nước có 6 trường đại học lớn có đào tạo nhân lực liên quan đến ngành thuỷ sản, gồm cả khai thác, nuôi trồng thuỷ sản. Trường Đại học quốc gia cũng đào tạo công nghệ nông nghiệp hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả ngành thuỷ sản. Số lượng tuyển sinh hàng năm của các trường này khoảng 600-700 sinh viên nhưng số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp làm trực tiếp trong các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản là rất ít, chủ yếu là làm việc trái nghề do mức lương và điều kiện làm việc không hấp dẫn. Chính vì vậy, hiện có sự mâu thuẫn giữa nhu cầu lao động và nguồn cung đáp ứng, các cơ sở sản xuất rất cần lao động qua đào tạo để phát triển sản xuất, trong khi người được đào tạo ra lại có xu hướng chuyển đổi công việc.

– Thứ ba, nhóm nhân lực trong các viện nghiên cứu: Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp của nước ta. Chất lượng nguồn nhân lực của cơ sở này sẽ quyết định tương lai của khu vực nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang làm việc ở đây gặp rất nhiều khó khăn xuất phát từ cơ chế quản lý nhà nước. Trước hết, cơ chế quản lý tài chính về khoa học quá rườm rà, phức tạp làm nản lòng các nhà khoa học khi thực hiện các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản. Đây cũng là những vướng mắc mà các nhà khoa học làm việc trong các đơn vị giảng dạy gặp phải. Mặt khác, cơ chế hành chính tổ chức chồng chéo giữa các đơn vị bộ phận làm cho hiệu quả hoạt động bị kém đi rất nhiều (Nông nghiệp, 2020). Kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng bị thu hẹp dẫn tới phải lồng ghép cả nghiên cứu cơ bản. Tất cả những hạn chế về mặt chính sách đã không tạo động lực làm việc đối với nhóm nhân lực này, dẫn tới khả năng tạo ra sự đột phá trong phát triển nông nghiệp và ngành thuỷ sản là rất khó khăn.

Có thể thấy rằng, tất cả những yếu kém trong chất lượng nguồn nhân lực thể hiện rất rõ ở năng suất lao động ngành thuỷ sản thấp hơn so với trung bình của cả nền kinh tế. Trong năm 2017, thu nhập trung bình của lao động/tháng là khoảng 5,65 triệu, trong khi ngành tài chính ngân hàng là 9,74 triệu, ngành công nghiệp là 7,76 triệu (Tổng cục Thống kê, 2019). Nếu không có những đột phá về mặt chính sách đối với nhân lực trong ngành thì ngành thuỷ sản Việt Nam thực sự sẽ rất khó khăn để có thể cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Từ kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Việt Hòa đã đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thuỷ sản đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước công nghiệp hoá đã làm thay đổi qui trình quản lý, quản trị và vận hành doanh nghiệp. Yêu cầu về tính minh bạch trong qui trình tăng lên, buộc người quản lý phải thay đổi từ cách thức quản lý truyền thống sang cách thức quản lý hiện đại với sự góp mặt của công nghệ ngày càng nhiều hơn. Để có thể giải quyết được những yêu cầu này, ngành thuỷ sản cần có những giải pháp cốt lõi về nhân lực vì suy cho cùng con người sẽ là yếu tố quyết định mọi qui trình sản xuất. Chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ 7 giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh ưu tiên cho công tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển. Một số nhóm giải pháp quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới là:

– Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân  lực chất lượng cao cho ngành thuỷ sản trong những năm tới gắn với các cam kết hội nhập, với thị trường và cách mạng công nghiệp 4.0. Giải pháp này sẽ góp phần khắc phục căn bản thực trạng thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng, bất hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành thuỷ sản. Chiến lược phải xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách tổng thể. Trong đó, mục tiêu chiến lược phải ưu tiên xác định quy mô, số lượng và cơ cấu của từng loại nhân lực cho phù hợp. Chiến lược cũng xây dựng lộ trình thực hiện một cách hợp lý, có tính dự báo cao, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách toàn diện và đồng bộ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tham luận ngành thủy sản

Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân lực một số Công ty thủy sản tại Đại học KTQD ( ảnh VISTIP )

– Thứ hai, giải pháp về đào tạo nghề và giáo dục đại học:

Hiện chính phủ đang thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó có đào tạo nghề cho nhân lực ngành thuỷ sản. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với Bộ Lao động thương binh và xã hội tiến hành điều tra về việc dạy nghề cho nông dân ở 7 tỉnh trong năm 2015, kết quả cho thấy các tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện 100% đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, xét về yêu cầu chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, trong đó có các nghề thuộc ngành thuỷ sản thì còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khả năng tập trung nông dân để đào tạo nghề còn rất hạn chế. Nhân lực trong ngành thuỷ sản, trong đó có hoạt động khai thác thuỷ sản, việc đào tạo chứng chỉ thuyền viên, lái máy hoặc thuyền trưởng gặp rất nhiều khó khăn do họ còn phải lao động nên chỉ đạt 2,18% lao động cần có chứng chỉ trong số lao động của 7 tỉnh thành điều tra trong năm 2015. Theo kế hoạch đào tạo trong năm nay và sang năm: nhóm thuyền trưởng, máy trưởng cần chứng chỉ sẽ chiếm 16,64% lao động cần đào tạo hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản thâm canh an toàn cần từ 19,77% (năm 2019) đến 17,44% (năm 2020). Cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, đồng thời tiếp cận các hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để thúc đẩy phát triển khai thác hải sản xa bờ của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã phát huy hiệu quả rất tốt. Nếu mô hình này được nhân rộng lên cho các địa phương khác trong cả nước thì chất lượng lao động khai thác thuỷ sản sẽ nhanh chóng được cải thiện, yêu cầu của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với nhóm lao động trình độ cao, giải pháp đặt ra là tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo, cơ quan lập chính sách, cơ sở sản xuất để tăng cường thông tin về nhu cầu nhân lực của ngành thuỷ sản. Đây sẽ là cơ sở để các trường nắm bắt được nhu cầu nhân lực của xã hội cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các trường đại học cần có sự liên kết với các cơ sở sản xuất để cho người học được tiếp cận với thực tiễn sản xuất. Trong cơ cấu chương trình đào tạo, thời lượng giành cho sinh viên đi thực tế tăng lên, số giờ lý thuyết giảm xuống tuỳ theo từng chuyên ngành để người học nắm bắt được các vấn đề thực tiễn của ngành mình học, có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc ngay sau khi ra trường. Mặt khác, giữa nhà trường và cơ quan lập chính sách (như bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương) cũng cần tăng cường hợp tác để những thông tin vĩ mô liên quan đến ngành có thể đến được ngay với sinh viên. Việc cập nhật, nâng cao kiến thức cho các nhóm giảng viên thông qua các buổi hội thảo, hội nghị và các khoá bồi dưỡng ngắn hạn về hội nhập, môi trường và phát triển bền vững sẽ lan toả xuống tới người học, giúp cho nhân lực của ngành ngày càng được nâng cao về chất lượng.

– Thứ ba, giải pháp về chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bao gồm chính sách an sinh xã hội, chính sách việc làm, chính sách phát triển thị trường lao động, chính sách khoa học công nghệ… Đây là vấn đề mang tính vĩ mô, cần có sự tham gia của các ngành liên quan một cách đồng bộ.

Trước hết, các cơ quan quản lý trong đó có ngành thuỷ sản cần tạo lập các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc đổi mới chính sách tuyển dụng, bố trí sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan quản lý và cơ quan hành chính cần phải được triển khai theo hướng công khai, công tâm, khách quan, chính xác, dựa trên cơ sở phẩm chất và năng lực thực chất của người lao động. Theo điều kiện của mỗi cơ sở, cần tạo sự đột phá về đãi ngộ cũng như tôn vinh nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt dựa trên năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân và tập thể. Các cơ quan quản lý cần tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến để tạo động lực, kích thích, khuyến khích người lao động có điều kiện sáng tạo, cũng như bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, nghiên cứu cho những nhà khoa học, những tài năng trẻ hoạt động trong các lĩnh vực của ngành thuỷ sản.

Nguồn:  Trung tâm hội nhập KH&CN quốc tế tổng hợp nguồn tin từ hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”_ Đỗ Văn Xuân_