14 Tháng Mười, 2016 | 10:15
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Tập huấn “Hướng dẫn cách tiếp cận và khai thác các kênh hợp tác quốc tế và các dự án đầu tư KH&CN từ nước ngoài”

Được phép của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 09/9/2016, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập  khoa học và công nghệ Quốc tế (VISTIP) đã tổ chức lớp tập huấn: “Hướng dẫn cách tiếp cận và khai thác các kênh hợp tác quốc tế và các dự án đầu tư KH&CN từ nước ngoài” tại Khách sạn Hòa Bình, Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Những năm gần đây, KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, một phần quan trọng là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Đến nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không những quy mô hợp tác được mở rộng mà hình thức và nội dung hợp tác cũng đã trở nên đa dạng hơn, thiết thực hơn với nhu cầu phát triển KH&CN và KT-XH của đất nước. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển KT-XH của nước ta. Nó là nguồn lực to lớn, cầu nối, kênh dẫn không thể thiếu được đối với hoạt động KH&CN trong nước.

3

Toàn cảnh Lớp tập huấn-Ảnh: VISTIP

Với chức năng và nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ KH&CN giao thực hiện chủ trì xây dựng,trình Bộ trưởng dự thảo chương trình, dự án, đề án về hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; tổ chức,thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và phát triển hội nhập quốc tế về KH&CN; đồng thời nghiên cứu chính sách, kinh nghiệm hội nhập quốc tế về KH&CN để triển khai áp dụng tại Việt Nam. Do đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế tổ chức lớp tập huấn này với mục đích là tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực và kinh nghiệm tiếp cận và khai thác các kênh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ cho các đơn vị, cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ trong giai đoạn mới.

Tham dự lớp tập huấn có hơn 100 học viên là các cán bộ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế đến từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng và một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Quảng Ngãi ….

2

Các học viên chụp ảnh chung với giảng viên của lớp-Ảnh: VISTIP

Giảng viên lớp tập huấn có ông Bùi Quý Long- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế; bà Nguyễn Thị Tường Vân- Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế-  Bộ Ngoại giao và bà Vũ Thị Tú Quyên- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế-Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Trong bài giảng của mình, ông Bùi Quý Long đã tập trung giới thiệu nhiều kênh hợp tác quốc tế về KH&CN cả song phương và đa phương, các cách tiếp cận và khai thác. Để học viên có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác các nguồn lực này, ông Long đã cho học viên thực hành xây dựng các ý tưởng dự án thông qua các bài tập nhóm.

Giảng viên Nguyễn Thị Tường Vân thông qua  bài giảng về “Kỹ năng xây dựng văn bản đối ngoại- hợp tác quốc tế” đã giúp học viên hiểu rõ các loại văn bản đối ngoại- hợp tác quốc tế, các bước xây dựng văn bản đối ngoại và đặc biệt các học viên được hướng dẫn cụ thể về cách xây dựng điều ước quốc tế: cấu trúc cơ bản và những nội dung đáng chú ý của Điều ước quốc tế về KH&CN,…

1

Giảng viên trình bày tại lớp tập huấn- Ảnh: VISTIP

Giảng viên  Vũ Thị Quyên có bài giảng về “Kinh nghiệm tiếp cận  và khai thác các kênh hợp tác quốc tế và dự án đầu tư nước ngoài dành cho khoa học và công nghệ của Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng”. Qua bài học, các học viên đã có được những kinh nghiệm từ các bài học thành công của những dự án như ETV2(2005-2008), JICA,… đồng thời biết được xu thế vận động của khu vực và thế giới cũng như các chính sách của Việt Nam và đối tác hiện nay.

Lớp tập huấn đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhiều ý kiến tham luận sôi nổi chứa đựng học thuật và thực tiễn đã được các học viên và các giảng viên chia sẻ và trao đổi.

 

Nguồn: VISTIP