17 Tháng Bảy, 2018 | 11:07
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Sáng 13/7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì sự kiện.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh – Industry 4.0 Summit 2018. Ảnh: Trọng Đạt.

Phiên khai mạc còn sự tham dự của ông Hoàng Trung Hải – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Phùng Quốc Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ngoài ra còn có các chuyên gia, diễn giả, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh – Industry 4.0 là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa để các vị lãnh đạo Việt Nam lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp cho việc hoạch định chủ trương, chính sách Quốc gia trong thời gian tới. Sự kiện này cũng hướng đến mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về CMCN lần thứ 4.

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ, tác động đến nhiều quốc gia, Chính phủ các nước đang hết sức quan tâm và đã chủ động ban hành các chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình. Tiêu biểu trong số đó là Đức với chiến lược Industry 4.0, Mỹ với Liên minh Internet công nghiệp, Hàn Quốc với iKorea 4.0 và Trung Quốc với Made in China 2025…

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt
Các đại biểu cắt băng khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh – Industry 4.0 Summit 2018. Ảnh: Trọng Đạt.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược mang tính quốc gia để chủ động tham gia có hiệu quả vào cuộc CMCN có tính đột phá này.

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị Khoá 12 đã nêu rõ nhiệm vụ sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Trong đó, xác định rõ quan điểm tận dụng tối đa lợi thế một nước còn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh và chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm, phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá, chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt
“Robot công dân” đầu tiên trên thế giới – Sophia – trả lời các câu hỏi tại Diễn đàn Industry 4.0 Summit 2018. Ảnh: Trọng Đạt.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Sau hơn một năm triển khai, kết quả thu được đã có đóng góp tích cực và quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thực tế cho thấy, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những thách thức và cơ hội của cuộc CMCN 4.0 là những là cách thức chung của các quốc gia. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó ngày càng lớn.

CMCN 4.0 mở cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này còn mang lại niềm vui cho các nước đang phát triển, có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng đắn và bắt kịp trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ, tình trạng dư thừa về lao động và sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, an ninh không gian mạng và vấn đề tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia. Điều này đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Xuất phát từ những phân tích trên, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam nhận thấy cần phải có chủ trương, chính sách mang tính chất tổng thể, đột phá, mạnh mẽ và tạo đột phá hơn nữa để Việt Nam có thể nắm được cơ hội, vượt qua thách thức, chủ động tham gia có hiệu quả vào CMCN lần thứ 4.

Diễn đàn này là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa để các vị lãnh đạo Việt Nam lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, giúp cho việc hoạch định chủ trương, chính sách Quốc gia trong thời gian tới. Sự kiện này cũng hướng đến mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về CMCN lần thứ 4.

Theo: Trọng Đạt (Vietnamnet)