Nằm trong khuôn khổ Chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2018, sáng 28/11/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Tập đoàn Xinova đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với mong muốn thành lập, quản lý và vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN tại Hà Nội. Trung tâm được thành lập với mục đích thu hút các nhà sáng tạo Việt Nam và kết nối họ với mạng của Xinova, điều này sẽ tạo cơ hội cho họ đổi mới sáng tạo cho các công ty lớn trên toàn cầu. Với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, hai bên đã tổ chức lễ ký kết và biên bản ghi nhớ được ký kết bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy với Chủ tịch của Xinova Hàn Quốc và Khu vực Đông Nam Á, Yong Sung Kim. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy với Chủ tịch của Xinova Hàn Quốc và Khu vực Đông Nam Á, Yong Sung Kim ký kết biên bản ghi nhớ thành lập và vận hành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu tại Việt Nam Bộ KH&CN xác định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh và bền vững. Sự kiện ký kết ngày hôm nay là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng của Bộ KH&CN nhằm xây dựng, thúc đẩy và phát triển ĐMST tại Việt Nam.
Kết nối đổi mới sáng tạo toàn cầu
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Với lịch sử hình thành và phát triển đầy ấn tượng của Xinova, Bộ KH&CN hoàn toàn tin tưởng rằng Trung tâm này sẽ kết nối các nhu cầu đổi mới sáng tạo của các tập đoàn, công ty trong nước với mạng lưới hơn 12 nghìn nhà khoa học, nhà sáng tạo toàn cầu, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các kỹ sư Việt Nam tham gia mạng lưới này, cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ làm quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp cận với những phương thức thúc đẩy đổi mới sáng tạo mới của thế giới. Việc ký kết Thỏa thuận ghi nhớ (MoU) giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Xinova sẽ tạo lập các điều kiện cho việc thành lập và vận hành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ ký kết
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, xu hướng toàn cầu hóa, tự do thương mại và sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số và kết nối đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Trong sự phát triển đó không thể không nhắc đến vai trò của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia mà ở đó các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất và mới nhất. Bên cạnh đó trường đại học và các Viện nghiên cứu ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp các nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Việc kết nối doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng với các trường đại học và viện nghiên cứu rất cần vai trò kiến tạo và xúc tác của các cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo công lập như Bộ KH&CN.
Nhận thức được vai trò đó, Bộ KH&CN với chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, đã phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách quan trọng tạo thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo như các quy định mới về thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong Luật chuyển giao công nghệ; quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; quy định về giao tài sản trí tuệ hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn của Nhà nước. Bên cạnh đó Bộ KH&CN đã triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia qua nhiều dự án, đề án như: Dự án IPP hợp tác với Phần Lan đã hỗ trợ tài chính cho 35 dự án về khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo hơn 150 giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ 50 trường đại học; dự án BIPP hợp tác với Vương Quốc Bỉ hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp; dự án VCIC hợp tác với Ngân hàng thế giới hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu; Đề án quốc gia 844 với các nội dung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như xây dựng chính sách, đào tạo giảng viên nguồn, đến việc hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, phát triển các quỹ đầu tư. Mục tiêu của các dự án và đề án nói trên nhằm nâng cao chất lượng khởi nghiệp, nhân lực trình độ cao và kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước cũng như giữa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam với mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Chất xúc tác mạnh mẽ cho phát triển kinh tế
“Chúng tôi rất tự hào được làm việc với Bộ KH&CN để giúp các nhà sáng tạo Việt Nam thể hiện danh tiếng của họ – chính là danh tiếng của Việt Nam – với giải pháp cho các vấn đề trên thế giới, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế”. Ông Yong Sung Kim, Chủ tịch của Xinova tại Hàn Quốc và Khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh. “Đổi mới sáng tạo đang chuyển từ các trung tâm địa lý truyền thống và trở thành một xu thế toàn cầu. Giải pháp cho các vấn đề ở Việt Nam đang vượt ra khỏi biên giới của nó để mang lại lợi ích cho cuộc sống của mọi người.Việc kết nối nguồn cung toàn cầu và nhu cầu đổi mới là điều tối quan trọng trong nền kinh tế công nghệ mới và đổi mới tập trung vào công nghệ mới này”. Bà Lien Verbauwhede Koglin, Cố vấn Phòng hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa của WIPO phát biểu tại Lễ ký kết Phát biểu nhân sự kiện Ký kết này, bà Lien Verbauwhede Koglin, Cố vấn Phòng hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa của WIPO đánh giá cao sự hợp tác của Bộ KH&CN và tập đoàn Xinova và cho biết, đổi mới sáng tạo mở đang là xu thế toàn cầu. Sở hữu trí tuệ đang là vấn đề cấp bách tại Việt Nam, đây sẽ là điểm sáng trong phát triển kinh tế của quốc gia và tạo ra GDP ngày càng lớn. Sự thành công của Việt Nam trong Đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ còn được ghi nhận khi được lựa chọn là một trong các quốc gia được WIPO tham gia Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” (EIE).
Với hơn 12.000 thành viên trong mạng lưới đổi mới sáng tạo, Xinova đào tạo Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” và kết nối các nhà sáng tạo trên toàn cầu, họ có thể sử dụng sự sáng tạo và trí thông minh của mình để giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Mạng lưới hoạt động bằng cách tìm và sắp xếp các nguồn tài năng, vốn và nhu cầu với các đối tác và khách hàng của mình. Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ cung cấp cho các nhà sáng tạo của Việt Nam kinh nghiệm thực tế trong thương mại hóa đổi mới sáng tạo tại thị trường thế giới.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ thu hẹp khoảng cách từ ý tưởng đến tác động, vượt qua giới hạn. Nó thu hút những người đổi mới cùng chí hướng với năng lượng, niềm đam mê và động lực để giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới. Với mạng lưới đối tác của Xinova, các nhà sáng tạo tại nước sở tại có thể nhanh chóng đưa ra những ý tưởng xuất sắc và học hỏi từ những thất bại.
Cụ thể hơn, các Trung tâm Đổi mới sáng tạo mang lại giá trị kinh tế bằng cách thúc đẩy các giải pháp, kết hợp các công nghệ đa dạng và khác nhau hoặc đưa sản phẩm tiềm năng đến một thị trường mới. Họ có thể trở thành trung tâm cho chuỗi cung ứng và nhu cầu của đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tài nguyên này làm phong phú thêm cuộc sống của các doanh nhân và nhà khoa học, và làm vững mạnh các quốc gia hỗ trợ họ. Có thể hiểu đơn giản, việc kết hợp sự tiếp cận toàn cầu và quản lý đổi mới sáng tạo của Xinova với các nhà sáng tạo và công nghệ hàng đầu của khu vực có thể coi là một chất xúc tác mạnh mẽ cho phát triển kinh tế.
“Các nhà lãnh đạo của ngày mai phải có một bộ kỹ năng mới để phát triển. Những yếu tố tài năng phải có trong thế giới mới với sự làm việc độc lập bao gồm sự ham học hỏi, sáng tạo, năng lực làm chủ và khả năng biến một ý tưởng thành một sản phẩm thương mại. Các nhà sáng tạo ở khắp mọi nơi cần phải có được những kỹ năng này ở từng giai đoạn phát triển sản phẩm. Người Việt Nam thường nói: ‘Quen tay hay làm’ thì trong tiếng Anh có câu ‘Practice makes perfect!’”
“Tôi cũng xin cảm ơn công ty tư vấn 8870 Link đã hỗ trợ sự hợp tác giữa Xinova và Bộ KH&CN cho dự án Trung Tâm Đổi mới sáng tạo này” – ông Yong Sung Kim cho biết.
Toàn cảnh Lễ ký kết
Bộ KH&CN và Xinova thống nhất cùng nhau:
– Xây dựng thỏa thuận thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo với đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của các dự án và hoạt động của Trung tâm;
– Cung cấp quyền tiếp cận với các tài năng trong nước và cơ hội dự án tại Việt Nam;
– Cung cấp Dịch vụ Quản lý Đổi mới sáng tạo để đồng quản lý Trung tâm, bao gồm việc tạo ra các dự án để thúc đẩy nhu cầu;
– Phát triển các dự án của Trung tâm bằng cách tìm nguồn cung ứng của các nhà sáng tạo và công nghệ toàn cầu và tại nước sở tại. Học viện Khoa học, Công nghệ và Đối mới Sáng tạo Việt Nam (thuộc Bộ KH&CN) sẽ là cơ quan đầu mối thực hiện Bản ghi nhớ này với Xinova để tiến tới những thỏa thuận tiếp theo.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web