GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh VISTIP)
Theo GS Trần Quốc Khánh- Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay đã xuất hiện những điểm yếu và nhiều thách thức trong tiến trình phát triển của các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 như: quy mô kinh doanh nhỏ, đất đai còn manh mún, phân tán, công cụ sản xuất thủ công vẫn phổ biến thì khả năng phát huy năng lực kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và trình độ của chủ các sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói riêng hiện nay còn thấp. Đa phần các chủ hộ, chủ trang trại, HTX nông nghiệp và chủ các doanh nghiệp nông nghiệp khác chưa được đào tạo. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc CMCN 4.0. Hiện nay, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp (số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN;… Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với các áp lực ngày càng lớn của hội nhập kinh tế quốc tế, bởi vì hội nhập quốc tế tất yếu đòi hỏi các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ các quy định của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, sản phẩm sản xuất phải tuân thủ quy luật cạnh tranh và quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, đây là điểm yếu của các cơ sở kinh doanh nước ta hiện nay. Từ những vấn đề trên cho thấy, để nâng cao năng lực kinh doanh và khả năng cạnh tranh cho các cơ sở kinh doanh nông nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là phải tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
PGS.TS Nghiêm Văn Lợi, trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ một số mô hình thành công về đào tạo nhân lực kinh doanh nông nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới (ảnh VISTIP)
Theo PGS.TS Nghiêm Văn Lợi- Đại học Thủy Lợi, để đạt được lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư, các nhà quản trị doanh nghiệp nông nghiệp cần phải được đào tạo bài bản với các kiến thức cần thiết về lập kế hoạch kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, marketing cũng như các kiến thức về quản trị chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và kinh doanh trong môi trường quốc tế gắn với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0 trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Trong bài trình bày tại Hội thảo, PGS.TS Nghiêm Văn Lợi đã phân tích một số mô hình đào tạo nhân lực kinh doanh nông nghiệp của một số trường Đại học trên Thế giới, như Đại học Bang Montana (MSU), Colorado (Colorado State University – CSU), Đại học Bang Missuri (Missouri State University – MiSU), Đại học Bang Louisiana và Đại học Queensland (Australia).
Theo các nhà khoa học chia sẻ thông tin tại Hội thảo, một vấn đề khác đặt ra đối với nhân lực kinh doanh nông nghiệp hiện nay là cần tập trung nâng cao năng lực quản lý và ứng phó đối với rủi ro liên quan, đơn cử như vấn đề về thời tiết, khí hậu để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất. Điều này cần xem xét giữa đào tạo với thị trường lao động và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, thậm chí là lập sàn giao dịch việc làm kỹ thuật số kết nối với doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong cuộc CMCN 4.0, vấn đề về đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đi vào chiều sâu chất lượng, tập trung vào phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng phù hợp để phát triển ngành nông nghiệp nói chung và kinh doanh nông nghiệp nói riêng của nước nhà theo hướng có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới. Đối với kinh nghiệm quốc tế, để phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề tiên quyết ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng từ giáo dục và nghiên cứu trong kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng để xây dựng các hệ sinh thái giữa đào tạo và nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân, dựa trên tinh thần hợp tác, đổi mới, sáng tạo vận hành liên tục, biến các mảnh ruộng và người nông dân trở thành các cơ sở và nhà nghiên cứu cung cấp số liệu để các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm nông nghiệp 4.0.
Ngoài ra, nguồn nhân lực kinh doanh nông nghiệp cũng được Chính phủ Việt Nam và các cơ quan ban ngành chú trọng. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” của Bộ Chính trị, trong đó có nhắc đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thông minh là một trong những ý quan trọng, được nhấn mạnh trong kế hoạch hành động.
Một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới trước bối cảnh của cuộc CMCN lần thứ tư đó là:
Một là, nâng cao nhận thức người lao động thông qua việc giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Để thay đổi được nhận thức, trước hết cần phải giúp người lao động hiểu được giá trị của nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ như thế nào trong hiệu quả công việc và kết quả mang lại thông qua năng suất. Giáo dục nghề nghiệp phải là sự kết hợp giữa truyền đạt và định hướng để lý thuyết áp dụng vào thực tế hoạt động kinh doanh nông nghiệp, từ đó phát triển nguồn nhân lực lao động kế thừa.
Hai là, chủ động hoàn thiện nội dung giáo trình, bài giảng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nội dung chương trình học cần có sự bắt nhịp với những thay đổi trong thực tiễn; xem xét xây dựng mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và ứng phó đối với rủi ro liên quan trong kinh doanh nông nghiệp để hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất. Ngoài ra, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho cơ sở đào tạo phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo để phát huy tối đa vai trò của giảng dạy trong phát triển nguồn nhân lực kinh doanh nông nghiệp.
Ba là, theo phương châm học đi đôi với hành, không chạy theo chỉ tiêu, thành tích, lợi ích nhóm. Điều quan trọng là đào tạo phải đi đôi với ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghệ cao, gắn lao động với doanh nghiệp, liên kết “đầu vào” với “đầu ra”. Xem xét, đánh giá những mô hình, phong trào thành công của các nước trên thế giới làm cơ sở thực hiện, tập trung liên kết mối quan hệ giữa nhân lực kinh doanh nông nghiệp sau đào tạo và các tổ chức, doanh nghiệp.
Bốn là, đặt mục tiệu gia tăng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành kinh doanh nông nghiệp đến năm 2030 đạt 80% theo như kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” của Bộ Chính trị. Để thực hiện được việc này, cần có sự chung tay của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, người nông dân và cơ quan địa phương trong việc nỗ lực cải thiện trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn ở khu vực để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương.
Sáu là, bên cạnh việc tập trung nâng cao khả năng nguồn nhân lực, cũng cần xem xét phát triển công nghệ để nâng cao năng suất công việc. Các công nghệ mới cần thiết cho nông nghiệp thông minh, chẳng hạn như: công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, cơ khí chính xác và vật liệu mới nên được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học.
Tại Hội thảo, bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (VISTIP) đã giới thiệu về chức năng nhiệm vụ của VISTIP và chia sẻ về vấn đề hợp tác chuyển giao công nghệ quốc tế trong nông nghiệp, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các APP công nghệ tích hợp các công nghệ tiên tiến này trong đào tạo nhân lực kinh doanh nông nghiệp, cũng như gợi ý thêm vấn đề đổi mới sáng tạo trong đào tạo nhân lực kinh doanh nông nghiệp đối với trường Đại học kinh tế quốc dân.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web