3 Tháng Mười, 2020 | 8:38
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Tọa đàm khoa học “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công”

Ngày 30/9/2020 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (Trung tâm) tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công”. Tham dự tọa đàm có các đại biểu đến từ các tổ chức KH&CN công lập thuộc các Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ Hà Nội và một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Quý Long- Giám đốc Trung tâm đã gợi mở các khái niệm về đổi mới sáng tạo, những quan điểm mới nhất về đổi mới sáng tạo hiện nay và cách tiếp cận khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo. Cũng theo ông Bùi Quý Long, hiện nay Tổ chức tiêu chuẩn hóa thế giới ISO đã ban hành bộ tiêu chuẩn ISO – 56000: 2020 về Quản lý đổi mới sáng tạo, vì thế các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là các đơn vị trong khu vực công ở Việt Nam cần tiếp cận và nghiên cứu nhằm bắt kịp với xu thế quản lý đổi mới sáng tạo trên thế giới.


Ông Bùi Quý Long
Giám đốc Trung tâm phát biểu khai mạc tọa đàm (ảnh VISTIP)

Tại Tọa đàm, diễn giả TS. Nguyễn Văn Đáng đến từ Viện Xã hội học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Bùi Thị Ngọc Hiền đến từ Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã chia sẻ về xuất xứ của nền hành chính công, hoạt động cung cấp dịch vụ công, kinh nghiệm đổi mới sáng tạo trong hoạt động hành chính công và dịch vụ công; tiếp cận mô hình quản trị công mới; sự kết hợp công – tư trong việc cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới cũng như quá trình hình thành phát triển của sự đổi mới sáng tạo của hoạt động dịch vụ công tại Việt Nam trong thời gian qua.


TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
 chia sẻ thông tin về thúc đẩy Đổi mới sáng tạo trong khu vực công- tiếp cận quản trị công mới (ảnh VISTIP)

Theo các diễn giả và đại biểu tham dự tọa đàm, Việt Nam ngày hội nhập sâu và rộng trên mọi mặt, mọi lĩnh vực và chịu tác động rất lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động hành chính công nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ công trong vực công nói riêng còn chậm thay đổi so với nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, mức sống và nhu cầu của người dân ngày một tăng lên; hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng phát triển không ngừng, do đó khu vực công cũng cần phải đổi mới sáng tạo hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu không ngừng tăng lên đó.


TS Bùi Thị Ngọc Hiền, Trường Đại học Nội 
vụ phát biểu tại tọa đàm (VISTIP)

Trong điều kiện hiện nay, khi mà nền hành chính có xu hướng chuyển dịch từ quản trị nhà nước đơn thuần sang nền hành chính phục vụ thì mục tiêu của cải cách hành chính nhằm tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư để cải cách hành chính còn eo hẹp, áp lực phải thu hút nguồn lực, giữ chân nhân tài phục vụ trong khu vực công và xây dựng niềm tin của dân chúng và doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công là bài toán lớn cần có lời giải hiệu quả và thỏa đáng. Để đạt được mục tiêu đó, các báo cáo viên đều nhận định rằng “đổi mới sáng tạo trong khu vực công” là nhu cầu tất yếu và phải thực hiện một cách triệt để nhất, khoa học nhất để đạt được hiệu quả cao nhất. Mọi hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công phải lấy hiệu quả phục vụ và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo.

PGS.TS Đào Thị Ái Thi – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý KH&CN đánh giá đổi mới sáng tạo trong khu vực công là có thể thực hiện được, tuy nhiên không hề dễ dàng do các rào cản khách quan và chủ quan về quan điểm giá trị và quan điểm hệ thống,  yếu tố văn hóa, nhận thức, các hành vi không phù hợp, cũng như tư duy ngại thay đổi đã tồn tại từ trước đó. Các thuật ngữ “dám bước qua nỗi sợ hãi”; “mạnh dạn áp dụng các ý tưởng mới để bỏ cái cũ, cái lạc hậu” là những cách tiếp cận tốt nên được áp dụng. Đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ con người, do đó phải tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện làm việc và chế độ thu nhập tốt nhất cho công chức, viên chức làm việc trong vực công phát huy tính sáng tạo.


PGS
.TS Đào Thị Ái Thi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý KH&CN chia sẻ thông tin tại tọa đàm (ảnh VISTIP)

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế