1 Tháng Tư, 2021 | 4:44
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc trở thành nhu cầu cấp bách của hội nhập

Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả sản xuất – Tương lai của nguồn cung ứng toàn cầu” vừa diễn ra, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh phát biểu tại Hội thảo.

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc là việc làm cần thiết và cấp bách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi mà sản phẩm, hàng hóa được tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hàng hóa của doanh nghiệp này trở thành vật tư, hàng hóa đầu vào của doanh nghiệp kia tạo thành một chuỗi cung ứng. Khi mà yêu cầu của người tiêu dùng và cơ quan quản lý ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn và và sự minh bạch của sản phẩm hàng hóa, thì việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng được xem là chìa khoá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay.

“Ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất là xu hướng và đang trở thành chiến lược mới cho các doanh nghiệp nhằm mục tiêu tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp trên thế giới”, ông Trần Văn Vinh cho hay.

Cũng theo ông Trần Văn Vinh, để đón đầu xu hướng này, ngày 19/1/2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg về truy xuất nguồn gốc (Thường được gọi tắt là Đề án 100) nhằm xác định những nhiệm vụ cần thiết cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

“Với trách nhiệm là cơ quan được giao xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, hôm nay Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả sản xuất – Tương lai của nguồn cung ứng toàn cầu” nhằm đưa tới cho quý vị đại biểu những thông tin về hoạt động triển khai truy xuất nguồn gốc, chia sẻ các giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hoá sản xuất cũng như toàn chuỗi cung ứng.

Nhân Hội thảo này, tôi mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm khó khăn, vướng mắc cũng như thành công trong quá trình triển khai thực tế ở tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chia sẻ, giới thiệu các giải pháp của mình để cùng có cái nhìn khách quan về các giải pháp tối ưu hóa sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó có thể nghiên cứu, triển khai áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp, giúp hoạt động này thực sự trở thành một công cụ hiệu quả, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh nhấn mạnh.

Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia chủ trì phần tọa đàm “Trở nên hiệu quả hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng- chuẩn bị cho tương lai sẵn sàng với sự phát triển công nghệ”. 

Cùng chia sẻ tại Hội thảo, ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cho biết, một trong những yêu cầu của nền kinh tế 4.0 là tăng cường khả năng tương tác thông tin giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng với yêu cầu trước tiên là số hoá dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Thời gian qua, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã triển khai một loạt các ứng dụng truy xuất như ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với nông sản cho phép các đơn vị thực hiện cập nhật nhật ký điện tử, liên kết toàn bộ thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động quét mã QR để xem lại toàn bộ lịch sử quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng cho việc minh bạch thông tin quá trình sản xuất tới khách hàng, mang lại niềm tin cho khách hàng và cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp.

Ứng dụng bản đồ trái cây Việt Nam hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thươn mại điện tử. Ứng dụng này có thể được phát triển thành giải pháp quản lý tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp, cập nhật và theo dõi toàn bộ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên từng thửa ruộng, làm cơ sở cho việc định hướng sản xuất và phán đoán xu hướng giá cả sản phẩm dựa trên thống kê nhu cầu tiêu thụ hàng năm.

Ứng dụng quản lý thẻ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giúp cho cảnh sát giao thông thuận tiện tra cứu thông tin, cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng thống kê tình trạng cấp bảo hiểm theo quy định và Công ty bảo hiểm quản lý hoạt động cấp bảo hiểm.

Quang cảnh hội thảo. 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Tập đoàn FUJITSU và Honeywell Việt Nam cũng đã cung cấp và chia sẻ một loạt các giải pháp ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý sản xuất; sử dụng công nghệ trong quản lý sản xuất nhằm tối ưu hoá chuỗi cung ứng và “case study” về thiết bị hỗ trợ ứng dụng công nghệ.

Đại diện nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng đã có các bài tham luận về các vấn đề liên quan tới ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào chuỗi cung ứng trong nền kinh tế 4.0. Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

—————————————————————

Tại sao cần phải truy xuất nguồn gốc?

Truy xuất nguồn gốc phục vụ 3 mục đích: Thứ nhất là phục vụ chuỗi cung ứng để minh bạch chất lượng; tiếp đến là phục vụ cho người tiêu dùng yên tâm và cuối cùng là phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước.

Truy xuất nguồn gốc một sản phẩm nào đó tức là phải truy xuất được thông tin theo chuỗi và phải có cơ sở dữ liệu để đảm bảo thông tin được minh bạch rõ ràng theo thời gian thực của sản phẩm đó chứ không chỉ truy xuất một khâu, một công đoạn làm ra sản phẩm.

Thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc…

Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là “hàng rào” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.

Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đối với xuất khẩu hàng hóa, truy xuất giống như hàng rào kỹ thuật, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung.

Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng