Tham dự buổi Tọa đàm kết nối có ông Kalbertold Seven, ông Kai Ressel đại diện Công ty HARBAUER GmbH, CHLB Đức và ông Nguyễn Phú Tường Dũng đại diện Công ty Sa Sâm Việt, Bến Tre.
Hình ảnh buổi kết nối trực tuyến
Ông Kai Ressel giới thiệu công nghệ lọc RO xử lý nước nhiễm mặn thành nước sạch và siêu sạch, đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và nước phục sản xuất. Đầu vào có thể xử lý được nước nhiễm arsen, đầu ra có thể lọc nước sạch sử dụng trong lĩnh vực y tế. Các mô đun lọc có nhiều loại, từ ATM đến các nhà máy công suất lớn, có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời. Công nghệ này đã ứng dụng nhiều nơi tại Ấn Độ, Nhật Bản. Ông cũng chia sẻ thêm về chính sách PPP đầu tư phát triển, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chính phủ CHLB Đức cho các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nếu dự án triển khai thành công thì Chính phủ Đức có thể hỗ trợ một phần chi phí chuyển giao công nghệ. Kinh phí dự án tùy thuộc vào chất lượng và khối lượng nước đầu vào và yêu cầu xử lý nước đầu ra.
Mô hình xử lý nước nhiễm mặn công nghệ RO của CHLB Đức
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Phú Tường Dũng đã nêu thực trạng về tình hình xâm nhập mặn tại Bến Tre nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Theo đó, mức độ xâm nhập mặn cao nhất vào mùa khô tại Bến Tre lấn sâu vào đất liền khoảng 60km. Với chỉ số nhiễm mặn rất cao (gấp 5 đến 10 lần so với tiêu chuẩn) đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại khu vực này. Vấn đề cấp thiết hiện nay của người dân và doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long là tìm kiếm được giải pháp hiệu quả, tối ưu, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu, phát triển kinh tế – xã hội.
Với công nghệ xử lý nước nhiễm mặn mà Công ty HARBAUER GmbH đã chia sẻ, doanh nghiệp và người dân địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ phối hợp, đề xuất phương án hợp tác triển khai dự án xử lý nước nhiễm mặn tại Bến Tre theo hình thức chuyển giao công nghệ.
Kết luận buổi Toạ đàm, ông Lê Mộng Lâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho rằng, nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp thiết, đề nghị phía Công ty HARBAUER GmbH phối hợp với doanh nghiệp phía Việt Nam, đưa ra phương án cụ thể, tổ chức xây dựng mô hình thí điểm xử lý nước nhiễm mặn (công suất 5.000 – 10.000 lít/ngày). Đồng thời Trung tâm cam kết hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp hai bên để triển khai mô hình thí điểm trong năm 2022. Sau khi có kết quả đánh giá mô hình thí điểm, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác, xây dựng dự án với quy mô công nghiệp nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý nguồn nước nhiễm mặn trở thành nguồn nước sạch phục vụ đời sống, phát triển kinh tế – xã hội. Ông Lê Mông Lâm khẳng định, Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sẽ tư vấn hoàn thiện thủ tục pháp lý, phối hợp với các bên thực hiện chuyển giao công nghệ, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương./.
Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web