10 Tháng Năm, 2018 | 14:06
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Giáo sư đoạt giải Nobel gợi ý giải pháp giúp Việt Nam phát triển

“Chính sách cho khoa học không tốt, có thể tác động xấu đến xã hội”, Finn Kydland – người đoạt giải Nobel Kinh tế 2004 chia sẻ.

Giáo sư Finn Kydland bày tỏ quan điểm dưới góc nhìn tương tác kinh tế và khoa học tại hội thảo “Khoa học vì sự phát triển”, tổ chức sáng 9/5, ở Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành ICISE (TP Quy Nhơn, Bình Định).

Ông Finn Kydland cho rằng, bất bình đẳng thu nhập giữa các nước có nguyên nhân từ thể chế của nước đó. Trong đó ông đặc biệt nhận nhấn mạnh đến chính sách, vốn dành cho khoa học công nghệ.

“Khi một quốc gia không có các thể chế, cam kết các chính sách tốt cho khoa học công nghệ thì khó để tác động trong ngắn hạn cho sự phát triển, thậm chí có thể gây tác động xấu cho xã hội”, GS Finn Kydland nói.

Quan điểm này cũng được minh chứng thêm trong phần phát biểu của giáo sư Gerard ‘t Hooft – giải Nobel Vật lý năm 1999. Ông cũng đề cập tới vai trò của nguồn nhân lực và khẳng định để khoa học phát triển cần có một hệ thống giáo dục, nhất là lớp trẻ. Đây chính là lực lượng có thể thúc đẩy phát triển khoa học.

IMG-2285-9132-1525854925

Thứ trưởng Phạm Công Tạc. Ảnh: Đắc Thành

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, sau 30 năm đất nước đổi mới, Việt Nam giành nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên tài nguyên đang dần cạn kiệt và lao động giá rẻ sẽ không còn là thế mạnh. Khi đó chỉ có khoa học kỹ thuật mới là nền tảng bền vững cho sự phát triển.

Thứ trưởng Tạc bày tỏ mong muốn với kiến thức của các nhà khoa học kinh nghiệm hàng đầu thế giới, Việt Nam có thể học hỏi, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với tình hình hiện tại, qua đó giúp Việt Nam tiệm cận hơn nữa với thế giới và khu vực.

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hội gặp gỡ Việt Nam, Thứ trưởng Tạc cảm ơn những đóng góp to lớn của giáo sư Vân đối với khoa học, giáo dục Việt Nam.

Tại hội thảo, giáo sư Trần Thanh Vân – người sáng lập Hội gặp gỡ Việt Nam bày tỏ sự cảm kích các nhà khoa học đã dự hội nghị lần này cũng như cá nhân, cơ quan đã giúp đỡ thành lập ICISE tại Bình Định.

IMG-2213-5068-1525854925

Giáo sư Trần Thanh Vân phát biểu tại phiên toàn thể. Ảnh: Đắc Thành.

Hội thảo “Khoa học vì sự phát triển” đã thu hút 150 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự. Sau phiên toàn thể, hội thảo sẽ có 7 thảo luận bàn tròn và kết thúc chiều 10/5.Theo giáo sư Vân, trung tâm ICISE được thành lập tạo điều kiện cho các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam và chia sẻ các tiến bộ khoa học. Minh chứng là thời gian qua, nhiều nhà khoa học cùng gia đình của họ đã đến đây, cùng xây dựng trung tâm. “Đây cũng là dịp để chúng ta chia sẻ những ý tưởng khoa học đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới”, ông Vân nói.

Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập và điều hành từ năm 1993 tại Pháp, với mong muốn góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cho thế hệ tương lai Việt Nam.

Từ năm 2013 đến nay, chuỗi các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được thực hiện tại Bình Định với hơn 40 hội nghị khoa học quốc tế, 16 khóa học chuyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế. Đặc biệt, trong đó có 12 giáo sư đạt giải Nobel, 2 giáo sư đạt giải Toán học Fields, 2 giáo sư đạt giải Thiên văn học Kavli cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng thuộc nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức các khóa học chuyên đề dành riêng cho nhà nghiên cứu trẻ, tổ chức buổi thuyết trình, giao lưu giữa các giáo sư nổi tiếng và giới nghiên cứu khoa học, học sinh, sinh viên.

Nguồn: Vnexpress.net