Ông Bùi Quý Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế phát biểu tại Tọa đàm (ảnh: VISTIP)
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển công nghệ là chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang đối mặt với khó khăn về đổi mới công nghệ. Các diễn giả cùng đại biểu tham gia Tọa đàm đã cùng nhau thảo luận, phân tích thực trạng đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, đồng thời đề xuất một vài các giải pháp có tính khả thi.
Kết quả điều tra thử nghiệm về đổi mới sáng tạo của 8.000 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo giai đoạn 2014-2016 do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thực hiện cho thấy, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 61,63%. Tuy nhiên mức độ đổi mới sản phẩm phần lớn vẫn nằm ở mức mới ở quy mô doanh nghiệp, rất ít sản phẩm được tạo ra đạt mức mới với thị trường. Phương thức thực hiện đổi mới quy trình của doanh nghiệp cũng mới chỉ dừng lại ở hoạt động đầu tư vào mua sắm máy móc thiết bị phần mềm. Điều quan trọng hơn là hoạt động đổi mới của doanh nghiệp được thực hiện khép kín với tỷ lệ nguồn vốn đầu tư cho đổi mới từ vốn tự có là khá cao, trong khi mức độ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu phát triển thấp. Thực trạng này ở Việt Nam khác hẳn với Pháp, nơi mà hoạt động đổi mới được thực hiện thông qua hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Viện, trường. Doanh nghiệp không nhất thiết phải có bộ phận nghiên cứu và triển khai (R&D) nội bộ nhưng lại đạt tỷ lệ đổi mới công nghệ cao.
TS. Hồ Ngọc Luật trình bày tại Tọa đàm (ảnh: VISTIP)
Bức tranh này ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ảm đạm hơn. Kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy có đến 79% Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) chưa chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0, 55% DNNVV đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% đang triển khai các biện pháp ứng phó.
Về giải pháp, Tọa đàm cũng đã đề xuất một số giải pháp về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh, giải pháp về hạ tầng số và kinh tế số, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao, giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế trong hợp tác đổi mới, cải tiến, chuyển giao công nghệ, trong đó nhấn mạnh giải pháp về thể chế, chính sách kiến nghị xóa bỏ các rào cản và thực thi chính sách có hiệu quả đóng vai trò tiên quyết đối với đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web