Thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “ Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế”, Ngày 09 tháng 07 năm 2019, tại Hà Nội,Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (VISTIP) đã tổ chức lớp tập huấn “ Hướng dẫn xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ”.
Bà Bùi Thị Huy Hợp –Phó Giám đốc VISTIP phát biểu khai mạc lớp tập huấn ( ảnh: VISTIP)
Tham dự lớp tập huấn là các học viên đến từ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…Mở đầu buổi tập huấn TSKH Nghiêm Vũ Khải- Phó Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh chiến lược xuất phát từ khái niệm chiến thuật trong quân sự, là sự lựa chọn về mục tiêu và cách thức để đạt được mục tiêu đó. Chiến lược hợp tác quốc tế về KH&CN quan trọng vì nó hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực KH&CN trên nguyên tắc win-win. Bên cạnh đó theo TS Khải Luật Khoa học và Công nghệ Việt Nam có hẳn một chương hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong đó quy định nguyên tắc, nội hàm và các biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
TSKH Nghiêm Vũ Khải- Phó chủ tịch Liên hiệp hội KHKT Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi kinh nghiệm tại lớp tập huấn ( ảnh VISTIP)
Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca – Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ là hoạt động giữa các đối tác khác nhau về khoa học và công nghệ còn hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là các đối tác thành phần trong các nhóm của nhau, có quyền lợi cố hữu, chặt chẽ tuân theo những chuẩn mực những nguyên tắc chung theo nguyên tắc các bên tham gia cùng có lợi. Theo đó mục tiêu của hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ là để nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, quản lý, thay đổi cung cách làm việc; có thêm nguồn lực: kinh phí, thông tin tư liệu; mở mang quan hệ và nâng cao vị thế của tổ chức bao gồm những nội dung công việc như: Nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ hoặc cùng phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; tổ chức hội thảo hội nghị và đào tạo chung bao gồm cả đào tạo bậc tiến sỹ, sau tiến sỹ, làm việc nhóm, trao đổi chuyên gia, thực tập sinh; tư vấn chung cho bên thứ ba; trao đổi- chia sẻ thông tin; xuất bản chung và ngoài ra còn bao gồm các nội dung hợp tác ba bên hay nhiều bên thông qua mạng lưới.
Chiến lược hợp tác quốc tế và chiến lược Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ xét một cách toàn diện thì điều kiện và thành tố có thể giống nhau nhưng khác nhau về mức độ và tính chặt chẽ trong việc tuân thủ và thực thi. Chiến lược hợp tác quốc tế về KH&CN là một quyết định được lựa chọn cho hành động của cá nhân hoặc một tổ chức trong các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế về KH&CN. Sở dĩ người ta cần có chiến lược là để có trọng tâm, mục đích, mục tiêu rõ ràng cho hành động, xác định được kết quả của hành động, phương thức thực thi hành động, có được các thông tin cần thiết về nguồn lực cần có cho việc thực thi các mục tiêu của hành động và từ đó có sự ưu tiên huy động các nguồn lực, tập trung các cố gắng cho các mục đích, mục tiêu đã được đề ra. Trong đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án: chuẩn bị và huy động lực lượng tham gia thực hiện dự án, chuẩn bị và huy động tài lực cho thực hiện (tự có hay tài trợ bên ngoài, chính phủ hay phi chính phủ, song phương hay đa phương); phương thức đo lường tiến độ, chất lượng tổ chức quản lý các dự án hợp tác cũng được PGS.TS Trần Ngọc Ca phân tích cụ thể.
Cũng theo PGS-TS Trần Ngọc Ca, một chiến lược hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ được phân loại thành: ngắn hạn (3-6 tháng); trung hạn (1-2 năm), dài hạn (3-5 năm) phụ thuộc vào kỳ kế hoạch của tổ chức, kỳ phân bổ kinh phí, giải ngân theo chu kỳ của dự án hoặc đôi khi theo nhiệm kỳ hoạt động của tổ chức. Do đó về mặt lực lượng tham gia, tùy vào quy mô và mức độ hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ thì tổ chức KH&CN có thể giao cho Ban lãnh đạo, nhóm hay cá nhân cụ thể và bố trí thêm bộ phận phòng ban hay cá nhân làm đầu mối hỗ trợ giải quyết các công việc theo chiến lược đã đề ra hay không. Nội dung cơ bản mà cán bộ lập và thực thi chiến lược hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ là phải giải quyết được các câu hỏi: Mục đích và mục tiêu, kết quả của hành động hợp tác quốc tế là gì; vì sao phải hợp tác quốc tế; hành động hợp tác quốc tế về KH&CN gồm những nội hàm gì ( hợp tác cái gì, làm gì; ai hợp tác và hợp tác với ai); thực hiện khi nào và thực hiện trong bao lâu; thực hiện tại địa bàn nào hay nhóm khu vực nào theo kênh kết nối hỗ trợ nào và sử dụng những nguồn lực nào.
(PGS-TS Trần Ngọc Ca, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo trao đổi kinh nghiệm tại buổi tập huấn; ảnh: VISTIP)
Qua buổi tập huấn PGS.TS Trần Ngọc Ca cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tế các hoạt động cụ thể trong hợp tác quốc tế về KH&CN với các đối tác chiến lược như: G7, G20, các nước thuộc ASEAN, EU, Đông Âu, Nga, các nước đang phát triển (hợp tác Nam-Nam), các tổ chức quốc tế……, các cá nhân quốc tế và một số ví dụ bài học thành công tại Việt Nam khi thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ như: IPP, BIIP, FIRST, Aus4Innovation; kinh nghiệm của Việt Nam trong hợp tác liên chính phủ về KH&CN với một số nước trên thế giới, các công cụ nghị định thư song phương và đa phương; hoạt động nhập khẩu công nghệ, kinh nghiệm tài trợ của Quỹ hỗ trợ đổi mới và phát triển công nghệ cho hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN, chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…… từ đó có các gợi ý về các khu vực địa bàn lựa chọn chiên lược để hợp tác quốc tế …. .Việc huy động nguồn lực từ bên ngoài như tham tán thương mại, tranh thủ sự hỗ trợ của đại diện KH&CN của Việt Nam tại các quốc gia (văn phòng 1136) cũng được vị chuyên gia này đề cập và phân tích cụ thể….
Buổi tập huấn cũng dành thời gian để các nhóm thảo luận xây dựng chiến lược giả định của tổ chức KH&CN trong các dự án, hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ và được nghe sự phản biện của các nhóm dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Trần Ngọc Ca.
Các học viên tham gia thực nhóm về xây dựng và thực hiện chiến lược- tình huống giả định ( ảnh: VISTIP)
Khóa tập huấn được đánh giá là thành công tốt đẹp là tiền đề cho các học viên tham dự mang kiến thức, kỹ năng đã được các chuyên gia có kinh nghiệm hướng dẫn vào các hoạt động xây dựng và thực thi chiến lược hợp tác quốc tế về KH&CN của đơn vị mình được thiết thực và hiệu quả hơn.
Nguồn: Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web