Thực hiện Nghị quyết số 103/NĐ-CP ngày 5/12/2016 của Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (3/4/2017), Bộ Khoa học & Công nghệ và Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam đã trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ tư (CMCN 4.0), hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 (I 4.0). Sau khi nghe xong các báo cáo chuyên đề về I 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “các Bộ trưởng cần nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, tránh tình trạng chỗ nào cũng nói I 4.0, nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”. Người đứng đầu Chính phủ hẳn đã rất lo lắng về tính khả thi khi triển khai I 4.0 tại Việt Nam trong tương lai và tính “đồng thuận” trong cách hiểu cũng như nhận định về I 4.0.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”- GS. Klaus Schwab, Chủ tịch WEF-Hình 1
Đúng vậy, chỉ với 1 từ khóa bằng tiếng Anh “Industry 4.0” hay bằng tiếng Việt “Công nghiệp 4.0” trong vòng 50 giây “giáo sư” GOOGLE cho ta trên 100 triệu bài viết bằng tiếng Anh liên quan đến Cách mạng 4.0 và khoảng 500.000 bài tương ứng bằng tiếng Việt. Nếu sử dụng thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nhật, Nga, Đức… và dùng thêm các từ khóa liên quan như “Internet of things (IoT)- Internet vạn vật”, “Trí tuệ nhân tạo- Artificial Intellegence (AI)”, “3D printing- In 3D”, “Dữ liệu lớn- Big Data” hay “Icloud Computing-Công nghệ điện toán đám mây”….con số các bài viết có liên quan đến I 4.0 sẽ là vô cùng lớn và chắc chắn không một ai có khả năng đọc hết các bài viết nói về chủ đề này và cũng rất khó để một ai đó, một cơ quan hay một hiệp hội ngành nghề đưa ra được một định nghĩa chung về I 4.0!
Tuy nhiên, dù chưa có sự đồng thuận về một định nghĩa chuẩn đối với cuộc CMCN 4.0 hay I 4.0 nhưng tất cả đều đồng ý với nhận định của GS. Klaus Schwab, người Đức, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rằng: “Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghệ mà về cơ bản nó sẽ làm thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và giao tiếp với nhau” và rằng “ Trong thế giới mới này không phải cá lớn sẽ nuốt cá bé mà là cá nhanh sẽ nuốt cá chậm”-Hình 1.
Quả thật, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự thay đổi theo cấp độ “sóng thần” của công nghệ mà người ta có thể gọi là cuộc cách mạng công nghệ cũng không sai. Cuộc cách mạng này không giống bất kỳ cuộc cách mạng nào trong lịch sử và nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và chúng ta thậm chí còn chưa kịp hình dung ra, ví du: Trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ gen đã có thể cho ra đời những người máy -robot càng ngày càng ”giống” con người thật. Ngoài khả năng tư duy, sáng tác nhạc, viết văn robot còn có thể mang thai hộ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn khi được cấy ghép tử cung sinh học và trong tương lai gần còn có thể “sinh con” như người; Công nghệ tính toán lượng tử (Quantum technology) đã tạo ra những siêu máy tính với khả năng thực hiện 1016 (10 mũ 16) và hơn thế số phép tính trong một giây như Siêu máy tính K của Nhật Bản; Công nghệ in 3D (3D printing) giờ đây có thể in ra hầu hết các sản phẩm trong cuộc sống kể cả các sản phẩm sinh học phục vụ cho ghép tạng; Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) kết hợp với dữ liệu lớn (Big Data) có khả năng lưu trữ, khai thác tài nguyên tính toán, lượng thông tin, dữ liệu không giới hạn về dung lượng với chi phí thấp và nhanh chóng… ; Công nghệ internet không dây wireless kết hợp wi-fi (dùng sóng radio) với mạng di động 3G đang được chuyển sang li-fi (dùng ánh sáng) với tốc độ gấp hàng 100 lần wi-fi trên nền kết nối 4G/5G cùng với giá thành sản xuất các cảm biến (sensor) ngày càng giảm cho phép việc kết nối vạn vật (Internet of things) trở nên vô cùng dễ dàng; Công nghệ tài chính Blockchain ngày một hoàn thiện và an toàn khiến giao dịch bằng các đồng tiền ảo như Bitcoin nhanh chóng, thuận tiện bỏ qua khâu trung gian ngày càng phát triển và được nhiều nước đã thừa nhận trong đó có Nhật Bản; Công nghệ Neural Lace nhằm kết nối não người với máy tính thuộc Dự án start up đầy tham vọng của tỷ phú Elon Musk giúp khả năng khai thác mọi tri thức tiềm ẩn – tacit knowledge (phần tri thức con người khi chết sẽ mang theo mà hiện giờ chưa có cách nào lưu lại cho hậu thế) ….hay Dự án ghép đầu người của TS Sergio Canavero dự kiến thực hiện trong năm nay 2017 nếu thành công sẽ là minh chứng cho sự hoàn hảo trong lĩnh vực công nghệ ghép tạng của thế giới và cũng minh chứng cho sự sống vĩnh cửu của con người trong tương lai là có thật; và còn nhiều thành tựu công nghệ đột phá khác nữa….
(Hết phần 1, phần 2 sẽ được đăng tải tới quý bạn đọc vào thứ 3 ngày 23 tháng 5 năm 2017, cảm ơn quý độc giả đã quan tâm)
Bài viết liên kết:
Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần cuối
Nguồn: VISTIP
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
Bình luận
Tên *
Thư điện tử *
Trang web