29 Tháng Tám, 2017 | 8:54
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam với hoạt động Hội nhập Khoa học và Công nghệ (Phần 3)

Tiếp theo phần 2 (Đọc)

 “CMCN  4.0”  là gì? Về  mặt thuật ngữ, tên gọi này đã từng xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng hầu như không được thế giới quan tâm. Thuật ngữ này chỉ thực sự lên “cơn sốt” trên toàn thế giới và đặc biệt với Việt Nam kể từ khi GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (nơi quy tụ các doanh nhân, các nhà khoa học, các học giả và các nguyên thủ của thế giới để định hình các chương trình nghị sự về công nghiệp, khu vực và toàn cầu), tại Phiên họp thường niên lần thứ 46 của Diễn đàn tổ chức tại thành phố Davos-Klosters của Thụy Sĩ tháng 01/2016, giới thiệu cuốn sách (Hình 2) do ông viết mang tựa đề như vậy và cũng vì cuốn sách này, toàn bộ chủ đề thảo luận chính của Diến đàn WEF46  đã bị cuốn hút vào “CMCN 4.0”.

Công nghiệp 4.0 hay I 4.0” là tên gọi khác của  “ CMCN 4.0” do người Đức sáng tạo  và được sử dụng phổ biến tại châu Âu. Thuật ngữ I 4.0 xuất hiện lần đầu vào năm 2011 trong báo cáo kết quả “nhận dạng những  xu thế công nghệ cao tương lai có tác động lớn đến xã hội”- Một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Liên hiệp các hội khoa học Đức thực hiện theo đặt hàng nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức (BMBF) trong năm 2010. Kết quả nghiên cứu này cùng các khuyến nghị của nó sau đó đã được BMBF xây dựng thành Chiến lược phát triển công nghệ cao của Đức  làm nền tảng thực hiện “I 4.0” hay “CMCN  4.0” tại Đức. Theo người Đức I 4.0 là:  một cuộc cách mạng biến những thứ không thể thành có thể dựa vào các tiến bộ  của khoa học và công nghệ làm đảo ngược logic quá trình sản xuất truyền thống. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là máy móc sản xuất công nghiệp không còn chỉ đơn giản làm nhiệm vụ “chế biến” ra sản phẩm mà sản phẩm còn có thể giao tiếp với máy móc để nói cho nó biết chính xác phải làm gì.

Để làm rõ khái niệm I4.0 của mình, người Đức viện dẫn đến khái niệm các hệ thống Thực-Ảo (Cyber-Physical System-CPS) –  các công nghệ kết nối thế giới vật lý với thế giới số thông qua các cảm biến được gắn vào các thiết bị vật lý và các công nghệ kết nối mạng thu thập dữ liệu.

Theo các chuyên gia thì giá trị của khái niệm I 4.0 có thể sẽ tăng lên nếu rõ vai trò đóng góp của các công nghệ hỗ trợ thao tác vật lý của các đối tượng- vai trò của các công nghệ ảo (mạng) hỗ trợ các hoạt động đời thực hay thiết bị vật lý…

Hiểu rõ các công nghệ thông tin khác nhau cùng tác động vào thế giới vật lý (thế giới thực) làm động lực cho đổi mới sẽ là điểm khởi đầu tốt nhất của I 4.0 mà mô hình Uber là một minh chứng cho thấy vai trò của chiếc smart phone với các phần mềm ứng dụng đối với việc kết nối cung-cầu trong dịch vụ vận chuyển.

 11

Bản chất của I 4.0- Hình 3

Tuy nhiên, về khía cạnh kỹ thuật, với các chuyên ngành khác nhau, tùy theo bản chất công việc, sẽ có cách cảm nhận và  cách gọi khác nhau về cuộc cách mạng này. Chẳng hạn, với các chuyên gia công nghệ thông tin thì hiển nhiên I 4.0 với họ sẽ là Kỷ nguyên số hóa; Với các chuyên gia mạng máy tính thì đây là Kỷ nguyên Internet công nghiệp; Các chuyên gia tự động hóa thì  với họ đây là Thời kỳ của tự động hóa thông minh; Còn với các nhà sản xuất kinh doanh hay cung ứng dịch vụ thì đây có thể là Kỷ nguyên của sản xuất thông minh/trang trại thông minh/nhà máy thông minh/sản phẩm thông minh hoặc dịch vụ thông minh…

Dù có gọi là tên gì đi chăng nữa thì ai cũng phải công nhận về bản chất cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên các thành tựu của khoa học-công nghệ hiện có để kết hợp các hệ thống thực (hệ thống vật lý) và ảo (hệ thống mạng/số)  tạo ra giá trị- (Hình 3).  Đây là cuộc chơi của tất cả mọi người nếu biết khai thác các hệ thống ảo hiện có để kết hợp với hệ thống thực đem lại giá trị cho bản thân.  Nếu một người nông dân nếu biết khai thác các tính năng mà chiếc smart phone hay ipad của mình để tra cứu thời tiết, xem các video clip về chương trình khuyến nông, hay chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, thậm chí sử dụng google map để tìm đường đến một địa chỉ của một nhà tư vấn…hiển nhiên là anh hay chị ta đang tận dụng cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 đem lại. Và một nghiên cứu viên thành thạo ngoại ngữ có thể trao đổi các vấn đề đang nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế thông qua việc sử dụng thư điện tử (email), đàm luận trực tuyến thông qua các công cụ chat online như skypie, zalo, viber, facebook …và tra cứu thông tin, tài liệu nghiên cứu trên các thư viện điện tử….Anh/chị  ấy đang  I4.0. Hay, một nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ biết khai thác các công nghệ hiện có để tích hợp nhiều tính năng, công dụng bổ sung cho các dịch vụ/sản phẩm truyền thống của mình làm gia tăng giá trị của sản phẩm/dịch vụ đó- anh/chị đó  đang tận dụng cơ hội của I 4.0. Và hơn thế, một cơ quan công quyền biết sử dụng các phần mềm quản lý hồ sơ, giấy tờ, tin học hóa công tác văn phòng, lễ tân cũng như đẩy mạnh giao tiếp trực tuyến thậm chí có thể mạnh dạn đầu tư trang bị một số robot cho các hoạt động cung cấp dịch vụ…cơ quan đó thực sự đang I4.0. Phải chăng  I 4.0 nên được hiểu  theo cách đơn giản như vậy trong cuộc sống?

(Hết phần 3, phần 4 sẽ được đăng tải tới quý bạn đọc vào thứ 5 ngày 1 tháng 6 năm 2017, cảm ơn quý độc giả đã quan tâm)

Bài viết liên kết:

Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 – Phần 4 – Phần cuối

Nguồn: VISTIP