28 Tháng Năm, 2020 | 20:48
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Hợp tác giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính với các doanh nghiệp khoa học công nghệ

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại khách sạn Hilton Hanoi Opera Hà Nội, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn Dịch vụ Tài chính & Hội thảo Future Banking”.

Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở quy mô toàn cầu, và thị trường cung cấp dịch vụ tài chính không nằm ngoài sự tác động này. Các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí trong ngày 6 tháng 3, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã phải tạm đóng cửa. Chính phủ tại nhiều quốc gia đã và đang tung ra các gói giải pháp hỗ trợ thị trường này. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mang tính nền tảng mà các tổ chức tài chính ứng dụng để thoát khỏi suy thoái, khủng hoảng đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số hoạt động cung ứng dịch vụ của mình. Tiêu biểu nhất là vào tháng ba năm nay, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã thực hiện bước đi chưa từng có qua việc tạm thời đóng cửa sàn giao dịch để chống lại sự lây lan của virus Covid-19, chuyển sang giao dịch thuần điện tử lần đầu tiên kể từ khi nó mở cửa vào năm 1792. Trong khi đó, Singapore cũng giới thiệu một loạt các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của COVID-19 đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ba gói kích thích bao gồm hơn 60 tỷ đô la Singapore, chính phủ Singapore cũng đã thông qua Đạo luật COVID-19 năm 2020. Sàn giao dịch Singapore (SGX) đã đặt ra kế hoạch sử dụng dữ liệu và AI để giúp các nhà giao dịch để giao dịch nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán cũng như các ngân hàng tại Việt Nam cần làm gì để nhanh chóng thoát ra khỏi khó khăn, ổn định phát triển trong trạng thái bình thưởng mới? Câu hỏi này được giải đáp phần nào tại Diễn đàn Dịch vụ Tài chính và Hội thảo Future Banking thông qua nhóm chủ đề: Phát triển các dịch vụ bảo hiểm và Kinh doanh chứng khoán trên nền tảng số.

Tham gia Diễn đàn tại đầu Khách sạn Hilton Opera Hà nội có khoảng 180 đại biểu và 200 đại biểu từ các điểm cầu kết nối trong nước và quốc tế, gồm các chuyên gia Tài chính – Chứng khoán, chuyên gia tư vấn, các nhà nghiên cứu, các kỹ sư CNTT, cùng đại diện của các tổ chức quản lý nhà nước, các ngân hàng, các doanh nghiệp CNTT, Fintech …..  Toàn bộ chương trình được truyền hình trực tuyến đến tất cả các thành phần khách đăng kí tham dự và được livestream trên fanpage IDG Vietnam Public Sector. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe tham luận liên quan đến các chủ đề trên và cùng thảo luận, đánh giá và đề xuất các mô hình, giải pháp phát triển dịch vụ kinh doanh chứng khoán tại thị trường Việt Nam đồng thời giới thiệu các thành tựu công nghệ thông tin mới nhằm hiện đại hóa ngành kinh doanh chứng khoán, nâng cao hiệu quả hoạt động, mức độ minh bạch và giảm thiểu rủi ro…

Được tổ chức kết hợp với Diễn đàn, Hội thảo Future Banking cũng hướng về một khía cạnh khác của chuyển đổi số, đó là việc các ngân hàng mở rộng sự kết nối với các công ty Fintech qua đó đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhiều ngân hàng Việt Nam xác định rằng phát triển thành công mô hình ngân hàng mở thì mới thực sự tạo ra lợi thế cạnh tranh cho đơn vị.

Diễn đàn Tài chính công nghệ

Toàn cảnh Sự kiện tại đầu Khách sạn Hilton Opera Hà nội (ảnh VISTIP)

Diễn đàn Tài chính công nghệ-2

Các Diễn giả tham gia phiên thảo luận (ảnh VISTIP)

Dưới đây là một số tham luận tiêu biểu tại Sự kiện:

  1. Tham luận “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ quy mô toàn cầu đến Việt Nam, giải pháp hỗ trợ của chính phủ và dự báo” trình bày bởi Ông Vũ Viết Ngoạn, Nguyên Tổ trưởng, Tổ Tư vấn kinh tế của thủ tướng chính phủ. Qua tham luận này, thực trạng kinh tế Việt Nam quý 1/2020, một số gói giải pháp cứu trợ kinh tế của chính phủ Việt Nam và quốc tế, tầm nhìn và triển vọng sau đại dịch đã được diễn giả chia sẻ.
  2. Tham luận “Fintech và thị trường Chứng khoán” trình bày bởi Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Bài tham luận có một số thông tin đáng lưu ý như tái định nghĩa về nội hàm và về thực trạng phát triển các ứng dụng fintech trong thị trường chứng khoán, các giải pháp thúc đẩy fintech trong thị trường chứng khoán phát triển.
  3. Tham luận “Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động ngành tài chính, ngân hàng” được trình bày bởi Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ, Công ty Cổ phần FPT. Ông Việt đã giới thiệu tới các đại biểu xu hướng công nghệ mới nhất phục vụ việc chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng như Nguyên lý eConomy, Chuyển đổi Số trong chuỗi giá trị ngân hàng, Nền tảng Trí tuệ Nhân tạo toàn diện, Nền tảng Hội thoại thông minh, Trợ lý ảo tổng đài…
  4. Tham luận “Mô hình và kinh nghiệm trong việc phát triển ngân hàng mở tại Vietinbank – do Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng Công thương Việt Nam trình bày nêu Xu hướng phát triển Ngân hàng mở hiện nay, những thuận lơi và khó khăn trong triển khai ngân hàng mở và kinh nghiệm triển khai tại VietinBank.
  5. Tham luận “Chia sẻ dữ liệu – Thách thức và Khuyến nghị” được trình bày bởi Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Dữ liệu, Ngân hàng Quân đội – MBBank. Qua tham luận diễn giả đưa ra một số thông tin đáng lưu ý về Hiện trạng chia sẻ dữ liệu trong ngành tài chính ngân hàng từ chính sách quản lý, hành lang pháp lý, chất lượng dữ liệu, sự sẵn sàng của các ngân hàng và các tổ chức tài chính.
  6. Tham luận “Dẫn đầu công nghệ dành cho nhà đầu tư” do Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trình bày đã đưa ra Chiến lược và tầm nhìn ứng dụng công nghệ thông tin của BSC trong thời gian tới nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của dịch COVID và tạo nền tảng phát triển lâu dài.

 

  1. Tham luận “Cơ chế chia sẻ dữ liệu trong hợp tác ngân hàng với fintech nhằm phát triển Ngân hàng mở – do Phạm Châu Loan, Phó phòng Dịch vụ Ngân hàng điện tử, Vietcombank trình bày nêu Đề xuất Ban hành các văn bản hướng dẫn về chuẩn trao đổi thông tin, các hàm API bắt buộc, các chuẩn mã hóa dữ liệu, hay tiêu chuẩn thiết kế các API. Xem xét thành lập 1 trung tâm trung gian làm nhiệm vụ thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ 3 được phép sử dụng Open API của ngân hàng…

Điểm nổi bật của Diễn đàn và Hội thảo lần này, ngoài hình thức hội thảo truyền hình trực tuyến bán tập trung, cho phép lượng đại biểu tham gia được nhiều hơn phương thức truyền thống, thì các chủ đề, nội dung của sự kiện cũng đem đến cho người tham gia nhiều thông tin hữu ích và gợi mở các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo …) trong lĩnh vực dịch vụ tài chính  ngân hàng, thị trường chứng khoán là xu thế tất yếu trong tình hình bình thường mới, như mô hình ngân hàng mở, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ….. Đặc biệt vấn đề hợp tác giữa các ngân hàng, quỹ … với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các Startup/ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ -công nghệ thông tin được các chuyên gia và đại biểu đưa ra và thảo luận tích cực. Đây là hợp tác tất yếu, các bên cùng có lợi song ở giai đoạn hiện nay của Việt Nam vẫn rất cần có sự hỗ trợ đến từ các cơ quan quản lý nhà nước để tạo đà và thúc đẩy xu hướng hợp tác này.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế