25 Tháng Năm, 2021 | 12:12
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN TRONG QUẢN LÍ GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ: KINH NGHIỆM CỦA HẢI QUAN HÀN QUỐC VÀ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Theo nghiên cứu mới nhất TS. Phan Thị Thu Hiền, Viện kinh tế và kinh doanh quốc tế, Đại học ngoại thương đã tìm ra các ưu điểm ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý giao dịch thương mại quốc tế của Hàn Quốc và từ đó tác giả đưa ra đề xuất áp dụng cho ngành Hải quan Việt Nam. Trang tin điện tử Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế xin giới thiệu toàn văn bài báo nghiên cứu của tác giả như dưới đây.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến các loại hình và phương thức giao dịch thương mại quốc tế trên thị trường thế giới với những công cụ toàn năng như IoT, AI và blockchain. Trong xu thế đó, với chức năng kiểm tra giám sát tất cả hàng hoá và phương tiện vận tải đi ra, đi vào và quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, Hải quan Việt Nam cần tăng cường đổi mới và hiện đại hoá thủ tục hải quan nhằm thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi và đảm bảo an ninh thương mại quốc tế. Bài viết trên cơ sở phân tích những kết quả ứng dụng công nghệ blockchain trong thủ tục hải quan của Hải quan Hàn Quốc, cùng với thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin của Hải quan Việt Nam, nhằm khẳng định xu hướng và giải pháp đổi mới trong thời gian tới.

1.Xu hướng đổi mới công tác quản lí giao dịch thương mại quốc tế của Hải quan trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0). Theo quy định của các quốc gia trên thế giới thì tất cả hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của hải quan hay nói một cách khác thì thủ tục hải quan là một công việc không thể thiếu trong giao dịch thương mại quốc tế hay chuỗi cung ứng quốc tế với sự di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia. Với ý nghĩa đó, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) là một tổ chức quốc tế nhằm kết nối hải quan các nước trên thế giới với hàng loạt các Công ước, sáng kiến, chuẩn mực và khuyến nghị thực hành nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, nguồn lực trong hoạt động thông quan hàng hóa. Năm 2020, Tổ chức Hải quan thế giới chọn chủ đề “Biên giới thông minh- Smart Border” là định hướng cho hoạt động của hải quan các nước trên toàn thế giới. Mục tiêu của chương trình “biên giới thông minh” là tạo ra môi trường lưu thông hàng hoá, phương tiện vận tải và hành khách thông thoáng và thuận lợi trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Chương trình được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến của cách mạng 4.0, đó là “ chiến lược thông minh”, “công nghệ thông minh”, và “ môi trường tác nghiệp thông minh”. Để thực hiện thành công chiến dịch “Biên giới thông minh- SMART Border” , Tổ chức Hải quan thế giới cũng xác định các trụ cột thực hành trong quản lí thông minh đối với giao dịch xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh đó là:

– Hải quan đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi đối với các giao dịch hợp pháp và tuân

thủ pháp luật. Đây cũng là hai nhiệm vụ song hành của hải quan thúc đẩy sự di chuyển của hàng hoá, phương tiện và hành khách qua biên giới quốc gia.

– Đo lường hiệu quả các nghiệp vụ hải quan là tiêu chí đánh giá kết quả đồng thời

là cơ sở đưa ra quyết định thông quan đúng đắn cho hàng hoá, phương tiện. Đo lường hiệu quả được thực hiện bằng phương pháp tự đánh giá.

– Tự động hoá là công cụ hiện đại hoá và tiêu chuẩn hoá nghiệp vụ hải quan trên

phạm vi toàn cầu. Theo đó, nguyên lí thực hiện tự động hoá trong lĩnh vực hải quan là nghiên cứu chẩn đoán và thống kê đa chiều.

– Quản lí rủi ro là phương pháp quản lí hải quan hiện đại nhằm thực hiện thành

công hai nhiệm vụ là tạo thuận lợi và đảm bảo an ninh thương mại quốc tế Theo đó “Rủi ro” trong công tác hải quan là nguy cơ không tuân thủ pháp luật về hải quan trong việc thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, và “Quản lý rủi ro” là việc cơ quan hải quan áp dụng hệ thống các biện pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm xác định, đánh giá và phân loại mức độ rủi ro, làm cơ sở bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các nghiệp vụ hải quan khác có hiệu quả.

– Ứng dụng công nghệ thông tin với những công cụ tiên tiến của cách mạng 4.0

như blockchain và trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng hiệu quả trong công tác hải quan. Hải quan thế giới và các nước xác định đây là trụ cột quan trọng và ưu tiên hàng đầu trong tiến trình đổi mới thủ tục hải quant rong thời gian tới. Với những nguyên tắc cơ bản trên, chương trình “biên giới thông minh – SMART” đang được hải quan nhiều nước trên thế giới triển khai và tạo ra nhiều đổi mới và cải cách trong công tác quản lí giao dịch thương mại quốc tế như: hải quan Serbia với chương trình số hoá thủ tục quá cảnh góp phần thúc đẩy trao đổi hàng hoá, phương tiện vận tải và hành khác giữa các nước láng giềng bên trong lục địa; Hải quan Burkina Faso với sáng kiến trong công tác xác định trước mã số hàng hoá, đo lường thời gian thông quan và Hải quan Hàn Quốc đang thử nghiệm thành công công nghệ blockchain trong quản lí thương mại điện tử, hải quan Australia với mô hình thu thuế mới đối với hàng hoá có trị giá thấp. Bên cạnh đó đồng hành với hải quan thế giới và hải quan các nước là cộng đồng doanh nghiệp với nhiều đổi mới và sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí chuỗi cung ứng toàn cầu như chương trình “tích hợp dữ liệu- one record” của tập đoàn logistics DHL, “Tradelens” của công ty công nghệ hàng đầu thế giới IBM. Theo ông Kunio Mikuriya, Tổng thư ký Tổ chức hải quan thế giới, chương trình “biên giới thông minh-SMART BORDER” là mục tiêu và công cụ hữu hiệu để hải quan trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) thực thi hai nhiệm vụ trọng yếu là tạo thuận lợi và đảm bảo an ninh thương mại toàn cầu cũng như thực hiện thành công Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức thương mại thế giới.

  1. Ứng dụng công nghệ block chain trong quản lí giao dịch thương mại quốc tế của Hải quan Hàn Quốc

Ngay từ khi được khởi xướng tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, Cách mạng

công nghệ lần thứ tư (4.0) với những nền tảng công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo, big data đã thâm nhập và tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực và hoạt động của nền kinh tế thế giới và quốc gia. Tại Hàn Quốc để đón đầu và tận dụng cơ hội của Cách mạng 4.0, năm 2017 Chính phủ đã thành lập Uỷ ban cách mạng công ngh lần thứ tư nhằm xây dựng và thực thi chính sách phát triển công nghệ mới. Theo đó, cơ quan hải quan của Hàn Quốc (KCS) cũng thành lập bộ phận chuyên trách phát triển công nghệ cao và ứng dụng công cụ blockchain, trí tuệ nhân tạo, big data trong hoạt động hải quan.

Năm 2018, Hải quan Hàn Quốc triển khai dự án “cách mạng công nghệ lần thứ tư và hải quan thông minh” nhằm triển khai sáng kiến đổi mới trong công tác quản lí giao dịch thương mại quốc tế. Trong giai đoạn thử nghiệm, KCS đã lựa chọn ba loại hình giao dịch được xác định tận dụng tốt lợi thế của công nghệ blockchain về tính bảo mật, chia sẻ thông tin, tính kết nối và đơn giản hoá nghiệp vụ quản lí và xử lí thông tin.

Hải quan Hàn Quốc 1

Quy trình trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (QUY TRÌNH HIỆN NAY: Ảnh VISTIP khai tác từ tác giả bài nghiên cứu)

2.1. Thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng thương mại

Thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế là nghiệp vụ phức tạp bởi có sự tham gia của nhiều chủ thể trong chuỗi cung ứng qua biên giới với khối lượng lớn thông tin trao đổi và xử lí. Tại Hàn Quốc, thông tin giao dịch thương mại quốc tế chủ yếu được tạo lập, trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, qua thư điện tử hay hệ thống thông tin nội bộ (ICT), vì vậy rất khó kiểm chứng tính chân thực, tính chính xác và tin cậy của các nguồn thông tin trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hoá của cơ quan hải quan. Một số khó khăn trong quá trình làm thủ tục thông quan xuất khẩu của cơ quan hải quan đó là: (1) sử dụng nhiều chứng từ và xử lý thủ công đối với thông tin giao dịch; (2) trao đổi thông tin chủ yếu thông qua các cá nhân và khó kiểm soát; (3) thông tin không có tính kết nối, chỉ là sự ghép nối các trường thông tin khác nhau của các chủ thể khác nhau trong giao dịch. Trong giai đoạn thử nghiệm, dự án thông quan xuất khẩu được thực hiện với hai tập đoàn thương mại lớn là Samsung SDS và KCNet. Theo đó, dự án đã làm việc với 46 chủ thể bao gồm người xuất khẩu, người nhập khẩu, kho hàng, công ty logistics và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng, được phân thành 7 nhóm nghiệp vụ. Các bên tham gia đã chia sẻ 22 trường thông tin giao dịch như vận đơn, hoá đơn thương mại, phiếu đóng gói, xác nhận thuê tàu và tờ khai xuất khẩu. Các thông tin này được truyền đến và chia sẻ trên cùng một giao diện “chuỗi thông tin”, từ đó cơ quan hải quan tiếp nhận, khai thác và xử lí thông tin giao dịch nhằm thực hiện thông quan xuất khẩu cho hàng hoá. Gỉải pháp thông tin này đã tạo ra những cải tiến đáng kể như: (1) giảm thiểu chứng từ và xử lí thủ công về thông tin giao dịch trong quá trình làm thủ tục hải quan,

(2) Ngăn chặn gian lận thương mại và minh bạch hoá thông tin; (3) quá trình xử lí thông tin kịp thời và liên hoàn trong toàn chuỗi cung ứng.

2.2. Đơn giản hoá thủ tục hải quan đối với giao dịch thương mại điện tử

Trong giao dịch thương mại điện tử, chủ thể phần lớn là các cá nhân thực hiện

giao dịch trực tuyến và hàng hoá được giao nhận theo hình thức chuyển phát nhanh, hàng bưu phẩm bưu kiện với giá trị giao dịch không lớn. Về phía cơ quan hải quan, quản lí đối với hình thức giao dịch thương mại điện tử về cơ bản là chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, tuy nhiên khó khăn đối với công tác quản lí rủi ro là thông tin giao dịch rất hạn chế và khó kiểm chứng tính chính xác. Ở giai đoạn thử nghiệm, KCS đã triển khai với hai doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử là Nomadconnection và Matrix2B. Theo đó, KCS thực hiện dơn giản hoá thủ tục và thông quan nhanh đối với những lô hàng bưu kiện, bưu phẩm có trị giá CIF dưới 125 đô la Mỹ, đối với kiện hàng chuyển phát nhanh bằng đường hàng không có trị giá FOB dưới 100 đô la Mĩ, và những hàng hoá có xuất xứ Hoa Kì với trị giá FOB dưới 200 đô la Mĩ trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định thương mại song phương Hoa Kì – Hàn Quốc. Với những lô hàng này, KCS thực hiện cơ chế đơn giản hoá thủ tục hải quan bằng nghiệp vụ “báo cáo” với đầy đủ thông tin cần thiết để thông quan theo đó doanh nghiệp hoặc cá nhân người nhận hàng khai báo 26 nội dung giao dịch cơ bản như: thông tin của doanh nghiệp, cá nhân tham gia giao dịch; chủng loại và giá trị hàng hoá.. và có thể được thông quan ngay tại chỗ như đối với hàng hoá gửi đường bưu điện. Ứng dụng này được hiểu là cơ chế tương thích hai chiều của “thoả thuận thông minh” theo đó nếu người khai thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình khai báo thì thông tin được tự động xử lí và hải quan ra quyết định thông quan. Giải pháp này góp phần bảo mật thông tin giao dịch cũng như kết nối liên hoàn thông tin của các chủ thể trong toàn chuỗi giao dịch. KCS dự kiến mở rộng cơ chế này đối với một số loại hình giao dịch khác trong tương lai.

Hải quan Hàn quốc 23

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu tại Hàn Quốc ( ảnh VISTIP khai thác từ bài báo của tác giả)

2.3. Cơ chế trao đổi và chia sẻ thông tin giao dịch thương mại quốc tế với hải quan các nước

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại, thông tin giao dịch thương

mại quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình làm thủ tục hải quan, tạo thuận lợi hoá và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Công nghệ blockchain thúc đẩy hoạt động hợp tác và chia sẻ thông tin giao dịch thương mại giữa hải quan các nước, nhằm tạo ra môi trường thông tin “tự động, tiêu chuẩn, trung thực và tin cậy” với sự tham gia của nhiều chủ thể giao dịch đến từ các quốc gia khác nhau. Trong quá trình thử nghiệm, KCS thực hiện cơ chế trao đổi thông tin “chứng nhận xuất xứ” đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Theo đó, khi C/O được phát hành cho hàng hoá có xuất xứ Hàn Quốc và xuất khẩu sang Việt Nam, thì thông tin ngay lập tức được chia sẻ với nhà xuất khẩu Hàn Quốc, cơ quan hải quan và nhà nhập khẩu Việt Nam để thực hiện thông quan nhập khẩu tại Việt Nam. Cơ chế chia sẻ thông tin tự động về C/O sẽ góp phần tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam, hạn chế gian lận thương mại về xuất xứ cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm tra C/O trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam.

  1. Đề xuất đối với Hải quan Việt Nam từ thành công ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lí giao dịch thương mại quốc tế của Hải quan Hàn Quốc

Trong thời gian qua, Hải quan Việt Nam không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hải

quan trên cơ sở tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh tạo thuận lợi hoá

thương mại đồng thời kiểm soát giao dịch thương mại quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại. Một số kết quả quan trọng đó là:

Thứ nhất, thủ tục hải quan được thực hiện tự động ở mức độ cao

Ngay từ năm 2005, việc thực hiện thủ tục hải quan đã được ngành Hải quan tự động hóa thông qua thực hiện thủ tục hải quan điện tử thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần 10 năm, đến năm 2013, thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Nhằm tiếp tục nâng cao mức độ tự động hóa trong thực hiện thủ tục hải quan, với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, từ ngày 01/4/2014, ngành Hải quan đã chính thức triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS mà các quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa ở mức độ rất cao. Theo đó, đến nay, tất cả các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa. Hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Thứ hai, thực hiện thanh toán thuế điện tử: Từ ngày 01/11/2014, TCHQ chính thức

thực hiện Cổng thanh toán điện tử phiên bản 2014 tại 34/34 Cục hải quan Tỉnh, thành phố: tiếp nhận thông tin thu từ 17 ngân hàng thương mại có ký thỏa thuận phối hợp thu với tần suất tức thời (online) và từ Kho bạc với tần suất 15 phút/lần; tự động hạch toán kế toán, thanh khoản nợ, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp XNK với số thu chiếm 59% số thu của TCHQ. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan Hải quan đã triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 thông qua việc kết nối với 16 ngân hàng thương mại. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế; trước đây thời gian nộp thuế có thể mất thời gian từ 1 – 2 ngày, cá biệt có thể mất 5 ngày, nay chỉ còn 3 phút, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ ba, tiếp nhận điện tử bản lược khai hàng hóa và các chứng từ có liên quan cho phương tiện vận tải biển xuất cảnh, nhập cảnh (E-manifest) và triển khai công tác quản lý, giám sát hàng hóa tự động tại các cửa khẩu quốc tế: Cùng với việc triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, từ năm 2017, cơ quan Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển và cảng hàng không, thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi. Các chủ thể tham gia hệ thống rất đa dạng bao gồm cơ quan hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng đường biển, đường không cho tới các hãng tàu, hãng hàng không, đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận, đại lý hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan quản lý của các Bộ, ngành và những bên liên quan khác. Đến nay, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại đã được triển khai tại 4 đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan gồm: Cục Hải quan Thành phố Hải Phòng.Cục Hải quan Thành phố Hà Nội, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Hải quan Bà Rịa –Vũng Tàu.

Thứ tư, đối mới căn bản phương thức quản lý nhà nước về hải quan và triển khai

Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN

Việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã tạo tiền đề cho triển khai Cơ chế một

cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Chỉ trong thời gian ngắn, sau khi triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã đạt được bước đột phá quan trọng với 11 Bộ, ngành tham gia và kết nối kỹ thuật với Cơ chế một cửa ASEAN. Việt Nam là một trong số 04 quốc gia thành viên đầu tiên kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với Cơ chế một cửa ASEAN cùng với Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ ngày 8/9/2015 (Phan Thị Thu Hiền, 2019) Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng, cụ thể: năm 2018 tăng 14 bậc, năm 2017 tăng 8 bậc, năm 2016 tăng 3 bậc (Ngân hàng thế giới, 2018). Ngoài ra, theo Báo cáo. Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có bước tiến nhảy vọt về năng lực cạnh tranh quốc gia, xếp hạng 55/137 so với mức 60/138 của giai đoạn 2016-2017, tăng 20 bậc so với cách đây 5 năm (Diễn đàn kinh tế thế giới, 2018).Như vậy, có thể khẳng định Hải quan Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách hoàn thành tốt các nhiệm vụ cơ bản như kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh; quản lý thuế, chống gian lận thương mại và buôn lậu; thống kê nhà nước về hàng hóa xuất nhập khẩu; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan. Theo xu hướng phát triển của hải quan quốc tế trong thế kỷ 21, Hải quan Việt Nam cần tiếp tục triển khai nhiều chương trình đổi mới và hiện đại hóa nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và an ninh chuỗi cung ứng. Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tiên tiến blockchain trong việc đơn giản hoá thủ tục hải quan đối với giao dịch thương mại quốc tế của Hàn Quốc là tham khảo quý báu đối với Hải quan Việt Nam. Và để đạt được kết quả tốt trong quá trình thử nghiệm và triển khai chính thức, Hải quan Việt Nam cần tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng thông tin và nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Cuối cùng, Hải quan Việt Nam hợp tác chặt chẽ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đổi mới, cải cách thủ tục hải quan cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp từ hội thảo đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và kinh doanh quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 của Trường Đại học ngoại thương Hà Nội (người tổng hợp kỷ yếu Đỗ Văn Xuân_Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế)