12 Tháng Năm, 2022 | 11:09
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter

Nông nghiệp 4.0 tại một số nước trên thế giới và một số mô hình

Trang thông tin điện tử Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế tổng hợp giới thiệu Nông nghiệp 4.0 tại một số nước trên thế giới và một số mô hình

Nông nghiệp thông minh và nông nghiệp công nghệ cao thời 4.0 đang là chủ đề được các quốc gia quan tâm. Có nhiều quốc gia và nền kinh tế có những thành tựu lớn trong việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Điển hình như một số quốc gia/nền kinh tế như dưới đây:

1.Châu Âu

Theo thống kê ở châu Âu, có từ 70-80% các thiết bị nông nghiệp được tiêu thụ trên thị trường có hàm chứa công nghệ cho nông nghiệp chính xác. EU đã giành nguồn ngân sách khoảng 100 triệu EUR giai đoạn 2018-2020 để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số hóa trong nông nghiệp (mở các khóa đào tạo sử dụng công nghệ mới, phát triển các công cụ phân tích số liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng các nền tảng dữ liệu và số hóa cho nông nghiệp)

EU có nhiều chương trình và sáng kiến nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. EIP-AGRI – Chương trình đồng hành đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của EU hướng đến thúc đẩy tính cạnh tranh và bền vững của sản xuất nông nghiệp. EIP-AGRI kết nối các bên gồm nông dân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, Tổ chức phi chính phủ (NGOs), cùng thực hiện các dự án nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề cụ thể. Nhóm làm việc của EIP-AGRI phụ trách nông nghiệp chính xác đưa ra một loạt các giải pháp nhằm thúc đẩy nông dân sử dụng công nghệ như: nâng cao nhận thức và tổ chức các chương trình đạo tạo ở cấp địa phương/ vùng, tiếp cận đến các trang trại quy mô nhỏ và trung bình để đào tạo các kỹ năng mới và cung cấp kiến thức cho các nông dân, các nhà khuyến nông.

Để có thể tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ số hóa, việc tiếp cận với internet băng thông rộng là yêu cầu cần thiết. Các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và cấp địa phương có thể sử dụng các quỹ tài trợ của EU để xây dựng cơ sở hạ tầng cho internet băng thông rộng tốc độ cao và tang cường kết nối ở các vùng nông thôn. Các văn phòng phụ trách năng lực về internet băng thông rộng (Broadban Competence Offices – BCOs), được thành lập ở khắp châu Âu, giúp tư vấn cho các nhà chức trách cấp địa phương về cách thức đầu tư hiệu quả nhất cho hạ tầng internet, và tư vấn cho các doanh nghiệp và người dân về cách thức nhận hỗ trợ để có thể tiếp cận tốt hơn các dịch vụ băng thông rộng.

Các Trung tâm đổi mới sáng tạo số hóa (Digital Innovation Hubs – DIHs) là nơi tụ hội của các nhà cung cấp IT, các nông dân, các chuyên gia công nghệ, các nhà đầu tư và các đối tác khác. DIHs là cầu nối giúp cho khu vực ICT và các cộng đồng làm nông nghiệp tương tác chặt chẽ với nhau để đưa ra các giải pháp công nghệ thiết thực cho đồng ruộng. DIHs cũng hỗ trợ cho các công ty, các nhà khởi nghiệp, các doanh nhân trong từng vùng. Hình thức hỗ trợ có thể là kiểm nghiệm và thử nghiệm các công nghệ mới/ đột phá, ở tất cả các khâu từ lúc có ý tưởng về sản phẩm cho tới khi phát triển sản phẩm.

2. Hàn Quốc

Ở châu Á, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tập trung vào chiến lược “thông minh hóa nông nghiệp” kể từ năm 2013 với những bước đi cụ thể như: nhân rộng các mô hình trang trại thông minh, hỗ trợ hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, giảm các rào cản đầu tư, kiến tạo hệ sinh thái tuần hoàn trong đó các ngành công nghiệp sẽ phát triển và hỗ trợ lẫn nhau, đồng thởi mở rộng thị trường cho nông nghiệp thông minh. Trước đó, trong giai đoạn 2004-2009, chính phủ khởi xướng dự án xây dựng 25 mô hình trang trại thông minh (u-Farm) nhằm ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Dự án này đã cho thấy khả năng có thể tích hợp công nghệ thông tin trong nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả như: lựa chọn điều kiện tối ưu cho trồng trọt sử dụng các cảm biến và hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng các thẻ điện tử. Trong ngành chăn nuôi, các công nghệ và mô hình đã được thử nghiệm thành công như áp dụng hệ thống cung cấp thức ăn tự động, nhất là trong các trang trại nuôi lợn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, dự án hiện đại hóa trang thiết bị trong ngành nông nghiệp đã được khởi xướng từ năm 2007. Theo đó Chính phủ Hàn Quốc cam kết gói hỗ trợ trị giá 500 tỉ won trong 10 năm (2008-2017) nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập các giải pháp nhằm phổ biến áp dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp theo từng phân khúc từ sản xuất, phân phối và tiêu dùng, và đưa ra các định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy nhân rộng các mô hình trang trại thông minh, tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) và cải thiện môi trường kinh doanh trong nông nghiệp.

Chính sách nông nghiệp thông minh của Hàn Quốc có đa mục tiêu. Trước hết, Hàn Quốc hướng đến thành lập các trang trại trồng trọt thông minh trên tổng diện tích là 4.000 ha, 700 trang trại chăn nuôi và 600 trang trại trồng hoa quả đến năm 2017. Đặc biệt, Chính phủ có kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế bằng cách hiện đại hóa 600ha các vùng trồng ớt, khoai tây và hoa (các mặt hàng xuất khẩu chủ lực) trong nhà kính. Ngành chăn nuôi cũng có kế hoạch mở rộng mô hình trang trại thông minh đối với gia súc và gia cầm lên con số 700, chiếm 10% trong ngành chăn nuôi của Hàn Quốc. Tiếp đến, Hàn Quốc hướng đến xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn trong đó các ngành liên quan sẽ phát triển đồng thời dựa trên đầu tư của Chính phủ và sự phát triển của thị trường cho các trang trại thông minh. Với các mục đích trên, Hàn Quốc có các lộ trình chính sách như sau: Trước hết, Chính phủ sẽ hỗ trợ các dự án hiện đại hóa trang thiết bị và thúc đẩy việc xây dựng và nhân rộng các trang trại thông minh; hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp; và giảm các rào cản đầu tư trong nông nghiệp. Tiếp đến, các chính sách sẽ hướng đến khuyến khích nông dân tự nguyện áp dụng các phương thức canh tác thông minh thông qua việc tuyên truyền, giải thích cho họ về những lợi ích thu được như giảm lao động, giảm chi phí và tăng năng suất. Thứ ba là việc tiêu chuẩn hóa và địa phương hóa các công nghệ của nông trại thông minh cho phù hợp với điều kiện của từng vùng. Thứ tư, giúp đào tạo cho nông dân và những người liên quan khả năng sử dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chuyên sâu để áp dụng vào trang trại thông minh (Lee, 2017).

Nông nghiệp thông minh

Một hội thảo kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ( ảnh VISTIP)

Gần đây, Hàn Quốc tập trung thành lập các mô hình đổi mới sáng tạo trong đó các nông dân và các doanh nhân trẻ sẽ được đào tạo và các mô hình kinh doanh liên quan sẽ được hỗ trợ. Sẽ có tổng cộng 4 thung lũng trang trại thông minh và sáng tạo sẽ được xây dựng cho đến năm 2022, nơi sẽ bao gồm các trung tâm đào tạo, các trang trại thông minh cho thuê và một khu vực thử nghiệm. Các khóa đào tạo sẽ bắt đầu được mở vào năm 2019, kéo dài 20 tháng, với kế hoạch đào tạo 600 chuyên gia vào năm 2022. Các nông dân trẻ sau khi hoàn thành khóa học sẽ nhận được trợ cấp của Chính phủ để mở các trang trại thông minh trên diện tích 30 hecta. Ngoài ra, cả các nông dân mới và lâu đời sẽ được tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Các kế hoạch xây dựng các khu vực thử nghiệm cũng đang được tiến hành, nơi mà các dự án nghiên cứu, các triển lãm và các kiểm nghiệm sẽ diễn ra nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các trang trại thông minh ở Hàn Quốc. Thông qua các nỗ lực chung giữa các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng thành lập công ty giống như Priva của Hà Lan, nơi sản xuất hệ thống kiểm soát khí hậu chất lượng cao nhất thế giới. Với những nỗ lực trên, Hàn Quốc hy vọng có thể tạo thêm hơn 4.300 việc làm trong ngành nông nghiệp thông minh đang ngày càng phát triển.

3. Lãnh thổ Đài Loan

Lãnh thổ Đài Loan chỉ có khoảng 23% diện tích đất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, tương đương 8.300 km2. Diện tích trung bình của mỗi trang trại chỉ chiếm 1,1 ha, với chủ yếu là các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Sản xuất nông nghiệp ở Lãnh thổ Đài Loan có nhiều bất lợi do địa hình có nhiều đồi núi và khí hậu khắc nghiệt. Để khắc phục, Chính phủ Lãnh thổ Đài Loan đã đầu tư rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu triển khai trong nông nghiệp. Có thể nói, ngành khoa học nông nghiệp là ngành có ảnh hưởng lớn hơn bất cứ ngành khoa học nào khác ở đây. Năm 2017, ngân sách cho hoạt động R&D trong nông nghiệp của Lãnh thổ Đài Loan là 160 triệu USD, chiếm 3,1% tổng ngân sách cho nông nghiệp. Các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ nông nghiệp được cấp tới 63% trong tổng ngân sách cho R&D này. Đài Loan có nhiều lợi thế trong thúc đẩy nông nghiệp 4.0. Trước hết, Đài Loan có số lượng các kỹ sư điện tử trên đầu người cao nhất thế giới. Đài Loan cũng là nơi sản xuât tới 25% các chất bán dẫn của thế giới và là nhà sản xuất hầu hết các cảm biến được sử dụng trong IoT và các dự án nông nghiệp thông minh.

Sáng kiến “Năng suất nông nghiệp 4.0” là một hợp phần trong “Sáng kiến năng suất Đài Loan 4.0” (Taiwan Productivity 4.0 Initiative) được khởi xướng vào năm 2015. Đối với hợp phần nông nghiệp, Đài Loan có hai định hướng chiến lược là: (i) sản xuất thông minh; (ii) dịch vụ số hóa, hướng đến việc thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại trong ngành như công nghệ cảm biến, công nghệ thông minh, internet vạn vật, và phân tích dữ liệu lớn. Có 10 tiểu ngành nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển bao gồm: ngành trồng hoa phong lan, ngành công nghiệp cây giống, ngành nấm, lúa, ngành máy móc nông nghiệp, ngành nuôi trồng thủy sản, ngành chăn nuôi gia cầm và chim nước, ngành nông sản có thể truy xuất nguồn gốc, ngành sữa, và ngành đánh bắt cá ở biển sâu. Hiện nay cơ quan phụ trách nông nghiệp của Đài Loan đang thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu lớn cho nông nghiệp thông minh, nhằm hướng đến: (a) tạo thêm giá trị cho các thông tin số hóa về sản xuất và marketing; (b) giảm sự mất cân bằng giữa sản xuất và marketing; (c) nâng cao năng lực quản lý trong sản xuất và đảm bảo an toàn các sản phẩm nông nghiệp.

Nhằm rút gọn thời gian cho các hoạt động R&D, Hội đồng Nông nghiệp của Đài Loan (COA) tiếp tục có các chính sách tăng cường hợp tác với các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài. COA cũng hướng đến phát triển các ngân hàng tri thức và các nền tảng liên minh được chuẩn hóa nhằm thúc đẩy hợp tác liên ngành giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp. COA còn xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực mới cho nông nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ khu vực doanh nghiệp, chính phủ và cơ quan nghiên cứu được tập  hợp theo nhóm cho 10 ngành nông nghiệp chiến lược. Ngoài ra còn có 4 nhóm chuyên gia kĩ thuật theo các chuyên ngành: sản xuất thông minh, kỹ thuật nông nghiệp, dịch vụ số hóa và áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc., và nhóm hỗ trợ quản lý và vận hành doanh nghiệp/ trang trại. Các nhóm chuyên gia kĩ  thuật này sẽ đóng vai  trò tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp/ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ 4.0. Sau khi các chuyên gia liên ngành từ các nhóm kĩ thuật trên xác định được mục tiêu của mỗi ngành nông nghiệp chiến lược, COA sẽ tập trung hỗ trợ các đầu tư công nghệ, xây dựng năng lực R&D, xây dựng các mô hình thử nghiệm (demo), và cung cấp các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp và nông dân. COA cam kết gói đầu tư 9,8 tỉ USD cho nông nghiệp thông minh đến năm 2020.

4. Thái Lan

Ở Thái Lan, Chính phủ đã đưa ra mô hình kinh tế 4.0 (Thailand 4.0) nhằm đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong mô hình trên, nông nghiệp 4.0 là một trong những trụ cột chính. Mục tiêu của Thái Lan là nâng thu nhập trung bình hàng năm của nông dân lên gấp 7 lần, từ 56.450 bath lên 390.000 baht trong vòng 20 năm. Để đạt được mục tiêu này cần phải có sự thay đổi mang tính chiến lược đối với ngành nông nghiệp với việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Hiện đã có khoảng 961.836 nông dân thông minh trên khắp cả nước, với mạng lưới kết nối từ cấp địa phương đến cấp tỉnh và cấp quốc gia. Thái Lan hướng đến hình thành các trung tâm nông nghiệp và thực phẩm theo hướng 4.0, nhằm tạo ra các sản phẩm thông minh, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu (PRD, 2017).

Ở thời điểm hiện tại, có đến hơn 90% hộ nông dân ở Thái Lan sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất lúa gạo đã được cơ giới hóa trong toàn bộ quy trình. Có thể nói, cơ giới hóa đồng ruộng ở Thái Lan đã đạt đến điểm bão hòa, do vậy việc tiếp tục nâng cao hơn nữa năng suất không hề đơn giản. Bên cạnh đó, chi cho nghiên cứu trong nông nghiệp đã giảm từ mức 0,9% GDP trong nông nghiệp năm 1994 xuống còn 0,2%. Một vấn đề khác nữa là phần lớn các hộ nông dân ở Thái Lan đều có quy mô nhỏ, với 43% có diện tích đất canh tác nhỏ hơn 1,6 ha và 25% các hộ khác có diện tích từ 1,6 đến 3,2ha. Chi phí áp dụng các công nghệ mới có thể là quá cao so với với lợi ích có được của các hộ sản xuất quy mô nhỏ.

Cơ quan phụ trách đầu tư của Thái Lan (BOI) đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp thông minh. Nông nghiệp thông minh và các ngành liên quan (như sản xuất các thiết bị công nghệ, hệ thống nhà kính, hệ thống truy xuất nguồn gốc…) được phân hoạt ở nhóm A3 trong các hỗ trợ dựa trên hoạt động của BOI (Activity-based incentives). Đầu tư cho nông nghiệp thông minh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm, được miễn thuế nhập khẩu máy móc và nguyên liệu thô sử dụng cho việc sản xuất các hàng hóa xuất khẩu nếu như các khoản đầu tư trên có bao gồm việc phát triển hệ thống và phần mềm cho quản lý nguồn lực, trong đó có tích hợp việc thu thập và xử lý dữ liệu. Để nâng cao trình độ của nông dân, Chương trình Hệ thống nông nghiệp tích hợp (Agricultural System Integrator – ASI) được ban hành bởi Cơ quan phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (The National Science and Technology Development Agency). Đây là một khóa học ngắn hạn giúp cho người học có thể được trang bị các kỹ năng kinh doanh và xây dựng mạng lưới, kiến thức về công nghệ nông nghiệp thông minh, cùng một chuyến tham quan thực tế để thực sự hiểu và cảm nhận về sản xuất và kinh doanh nông nghiệp trong thời đại 4.0.

Nguồn: Trung tâm NC&PT hội nhập KH&CN quốc tế tóm lược và tổng hợp từ các nguồn tin.